Sinh viên và câu chuyện làm thêm dịp Tết

Sinh viên đi làm thêm không còn là vấn đề mới. Nhưng vào dịp Tết Nguyên đán đã cận kề, người tìm việc, việc tìm người, đây chính là “thời điểm vàng” để các bạn sinh viên tranh thủ kiếm thêm thu nhập.

Rộn ràng tìm việc làm thêm

Vào dịp cuối năm, lượng công việc nhiều hơn, các doanh nghiệp, chủ cửa hàng đều đồng loạt treo biển tuyển nhân viên. Người cần việc, việc cần người, đây là cơ hội tốt để các bạn sinh viên tìm kiếm và chọn lựa một công việc làm thêm cho mình.

Các bạn sinh viên thường chọn công việc bán thời gian (parttime) để có thể cân bằng giữa việc học với đi làm. Gần Tết cũng là lúc nhiều trường đã hoàn thành kì thi học kì I nên các bạn có thể dành nhiều thời gian cho việc làm thêm.


Bán hàng thuê là công việc được nhiều bạn sinh viên lựa chọn.

Bán hàng thuê là công việc được nhiều bạn sinh viên lựa chọn.

Những công việc phổ biến được khá nhiều bạn lựa chọn đó là bán hàng thuê, chạy bàn phục vụ quán ăn, giới thiệu sản phẩm (PG)…với mức lương từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng, có thể cao hơn tùy thuộc vào doanh số bán hàng.

Ngoài ra, công việc thời vụ trong những ngày gần Tết như gói giỏ quà, bóc trái cây, làm đồ handmade, kiểm kê, dán tem hàng hóa… cũng rất đa dạng nhưng lại phù hợp với các bạn nữ hơn.

Bạn Vũ Đài, sinh viên trường Đại học Thành Đô nhận làm bảo vệ cho một nhà hàng được gần 1 tháng nay. Bạn Đài tỏ ra khá hài lòng với công việc hiện tại:

“Công việc đơn giản, chỉ hơi lạnh thôi vì phải đứng ngoài trời, mình làm cho người chủ dễ tính nên cũng nhàn. Cười nhiều, nhiệt tình là khách người ta quý, công việc phù hợp và được bao ăn bữa tối nên tiết kiệm được kha khá chi phí”. Mỗi tháng Vũ Đài được trả 1,5 triệu đồng chưa kể tiền thưởng thêm.

Bên cạnh đó có những bạn thích tự lập, chủ động lại chọn kinh doanh trong dịp Tết để thử sức. Với việc bỏ ra một số vốn nho nhỏ vừa với điều kiện, thường là một nhóm bạn cùng nhau góp vốn, sau đó tự phân chia những phần việc cho từng thành viên.

Các bạn thường bán những mặt hàng có giá trị vừa phải, phù hợp với túi tiền sinh viên như hoa tươi, hoa đá, tranh thêu chữ thập…

Bạn Lê Thị Vui (Đại học Luật Hà Nội) năm nay vừa đi dạy thêm vừa tranh thủ “order” hoa, nghĩa là khi có đơn đặt hàng của khách thì Vui mới đi lấy hoa ở cơ sở về bán lại.

Khác với những năm trước, các bạn sinh viên thường bày hoa ngoài chợ thì bây giờ, Vui vừa kết hợp bán vừa quảng cáo hoa trên mạng facebook. Với mỗi giỏ hoa có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn, tuy tiền lãi không phải là quá nhiều nhưng cũng giúp Vui chi tiêu thoải mái hơn.

Một dạng công việc khác là “mì ăn liền”, đó là làm xong ca nào sẽ được nhận tiền luôn trong ngày hôm đó, nhiều nhất là phát tờ rơi, phát quảng cáo ở những nơi tập trung đông người… mỗi ca 2 – 3 tiếng cho thu nhập khoảng 80 – 100.000 đồng. Nhặt bóng tennis tại sân bóng cho thu nhập cao hơn, khoảng 250.000 đồng mỗi buổi.


Bạn Lê Thị Vui (Đại học Luật Hà Nội)tại vườn hoa mà bạn đến lấy hàng khi có khách đặt mua

Bạn Lê Thị Vui (Đại học Luật Hà Nội)tại vườn hoa mà bạn đến lấy hàng khi có khách đặt mua

Về nhà hay đón Tết xa quê?

Một số ít bạn sinh viên mạnh dạn quyết định sẽ ở lại làm thêm qua Tết, vì chỉ trong vài ngày thôi nhưng khoản lương lại rất hậu hĩnh, có khi gấp đôi bình thường.

Cảnh sinh viên nhiều thứ phải trang trải, lại không muốn bị phụ thuộc nhiều quá vào bố mẹ nên các bạn cố gắng ở lại, dù biết là sẽ buồn đấy khi đón giao thừa mà không có gia đình bên cạnh.

Bạn Khánh Linh (Trường Đại học Lao động Xã hội) cho biết, năm nay sẽ ở lại để làm MC cho một chương trình tại Hà Nội. Số tiền nhận được trong vài ngày làm việc có thể đủ lo cho cả tháng sau đó. Khoản tiền đó sẽ phần nào đỡ đần cho bố mẹ là một chuyện, mặt khác Linh mong rằng mình sẽ có thêm những trải nghiệm mới trong thời gian này.

Khi được hỏi, sắp tới bạn sẽ có dự định về quê hay ở lại làm thêm qua Tết, bạn Vũ Đài thành thật: “Nếu có người trả cao mình sẽ suy nghĩ, nếu không thì mình sẽ về quê ăn Tết”.

Còn bạn Vũ Hiếu, sinh viên trường Đại học Thương mại, sau một mùa ăn Tết xa nhà chia sẻ: “Một năm trải nghiệm là đủ rồi. Thấy mình già đi nhiều và cảm nhận cuộc sống sâu sắc hơn. Sống điềm tĩnh hơn và yêu gia đình hơn. Hồi đó mục đích đầu tiên là tiền, nhưng qua mấy ngày Tết thì chả nghĩ gì đến tiền nữa. Tết thì nên ở nhà ăn bánh chưng, đón năm mới với gia đình”.

Hiếu cũng gửi lời nhắn nhủ đến những bạn có ý định làm thêm Tết: “Nếu làm vì muốn có một trải nghiệm đáng giá thì bằng mọi cách hãy ở lại làm. Còn nếu không thì hãy về quê ăn Tết với người thân”.

Hi vọng rằng, với những mong muốn và cảm nhận riêng, các bạn sinh viên sẽ có được những những lựa chọn đúng đắn cho mình.

Chắc chắn với những kỷ niệm dù là vui hay buồn, các bạn cũng sẽ tự rút ra được những bài học hữu ích cho bản thân. Và với những đồng tiền chính đáng do mình làm ra, các bạn sẽ biết trân trọng hơn thời gian, công sức và biết sử dụng chúng vào những mục đích tốt đẹp.

Theo Báo Giáo dục thời đại