Sinh viên ngành y cần được hỗ trợ học phí như với ngành giáo dục

Hoa Lê

(Dân trí) - Thời gian học của sinh viên ngành y dài, chi phí lại cao. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành y tương tự quy định hiện áp dụng với sinh viên sư phạm.

Phụ cấp trực đêm của bác sĩ 10 năm chưa thay đổi

Nêu ý kiến tại Quốc hội, ngoài việc đánh giá cao kết quả đạt được về phát triển kinh tế xã hội của năm 2024, tính đến thời điểm này, nỗ lực giải quyết hậu quả bão lũ, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu một số vấn đề còn băn khoăn.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp các địa phương, người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống và tái thiết vùng bị ảnh hưởng, đảm bảo tăng trưởng.

Sinh viên ngành y cần được hỗ trợ học phí như với ngành giáo dục - 1

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Ảnh: QH).

Nữ đại biểu cũng đặt vấn đề, các y bác sĩ là những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, chế độ phụ cấp trực đêm, ca mổ đã hơn 10 năm qua chưa được thay đổi.

Vì vậy, đại biểu đề nghị quan tâm điều chỉnh tăng các khoản phụ cấp để động viên và hỗ trợ tinh thần cho đội ngũ y tế.

Bên cạnh đó, nữ đại biểu nêu thực tế thi vào ngành y đã khó, thời gian học lại dài, học phí lại cao hơn ngành học khác. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành y tương tự như ngành giáo dục hiện nay.

Đại biểu cho biết, thời gian qua, Chính phủ không chỉ ban hành và chỉ đạo khắc phục "nợ đọng" văn bản, chuẩn bị nhiều dự thảo luật trình Quốc hội. Trong đó có một số luật thông qua theo thủ tục một kỳ họp, nhằm tháo gỡ "điểm nghẽn", tạo khung pháp lý vững chắc để điều hành, quản lý kinh tế - xã hội một cách toàn diện.

Để đảm bảo thực thi hiệu quả, đại biểu đề nghị sớm ban hành các văn bản còn nợ đọng và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật để thực hiện đồng bộ khi Luật có hiệu lực; tập trung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.

Chiến lược phát triển nhân lực chất lượng cao

Để tiếp tục thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng, tập trung vào việc ban hành và thực thi hiệu quả các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, nhất là về pháp lý, định giá đất và tiếp cận vốn.

Triển khai hiệu quả Nghị định 73 về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Sinh viên ngành y cần được hỗ trợ học phí như với ngành giáo dục - 2

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ảnh: QH).

Bên cạnh đó, bà Trần Thị Hồng Thanh cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, chuyên nghiệp và bền vững. Để thực hiện được điều này cần cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành, bổ sung chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm...

Đại biểu cũng đề nghị tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện chính sách quản lý nguồn nhân lực, đào tạo và nâng cao kỹ năng số cho người lao động, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động trong đào tạo, bồi dưỡng.