Thanh Hoá:

Sinh viên cao đẳng nhận hỗ trợ 8 triệu đồng khi đi thực tập ở doanh nghiệp

Duy Tuyên

(Dân trí) - Thay vì đào tạo xong cấp bằng như trước đây, thì các đơn vị đào tạo nghề đã có sự liên kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, chủ động tìm đầu ra cho người học...

Gắn kết giữa đào tạo và giải quyết việc làm

Không đủ nguồn để đáp ứng yêu cầu

Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa hiện đào tạo các trình độ: Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp với quy mô mỗi năm được giao 1.400 chỉ tiêu.

Sinh viên cao đẳng nhận hỗ trợ 8 triệu đồng khi đi thực tập ở doanh nghiệp - 1
Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa mỗi năm, nhà trường đào tạo hơn 1.000 học viên, không đủ cung cấp cho thị trường lao động.

Ông Nguyễn Văn Hùng, hiệu trưởng nhà trường cho biết, xu hướng từ năm 2015-2020, điện lạnh là nghề thu hút nhiều người học nhất, mỗi năm nhà trường đào tạo từ 200 - 300 học viên.

Nguyên nhân theo ông Hùng đó là do nhu cầu sử dụng điện năng lớn, điều kiện kinh tế tăng lên, người dân sử dụng thiết bị điện như tủ lạnh, điều hòa… cũng tăng lên.

Bên cạnh đó, các dự án sau khi hoàn thành cần lực lượng lao động để lắp đặt các thiết bị điện. Ngoài ra, bản thân người học có thể thành lập từng nhóm đi bảo trì, bảo dưỡng, lắp đặt thiết bị điện cho các gia đình...

Số lượng ô tô ngày càng tăng, cùng với các doanh nghiệp, các showroom, gara ô tô ra đời nhiều, cần lực lượng sửa chữa nên nghề ô tô hiện nay cũng thu hút đông người học.

Sinh viên cao đẳng nhận hỗ trợ 8 triệu đồng khi đi thực tập ở doanh nghiệp - 2
Nghề điện lạnh là nghề thu hút nhiều người học nhất trong giai đoạn 2015 - 2020.

“Mỗi năm, nhà trường đào tạo hơn 1.000 học viên, không đủ cung cấp cho thị trường lao động. Có những sinh viên mới học năm thứ nhất đã được đi thực tập, trải nghiệm, trong đó có hỗ trợ từ 5 - 8 triệu đồng tùy theo mức độ công việc”, ông Hùng thông tin.

Theo ông Hùng, việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là một việc làm xuyên suốt. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không thể thiếu được trong quá trình đào tạo với doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia với nhà trường trong khâu xây dựng chương trình.

Sinh viên cao đẳng nhận hỗ trợ 8 triệu đồng khi đi thực tập ở doanh nghiệp - 3
Việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là một việc làm xuyên suốt trong quá trình đào tạo.

Nếu như trước đây đào tạo theo kiểu truyền thống, có cái gì đào tạo cái đó, thì hiện nay là theo thị trường cần, doanh nghiệp cần, cụ thể hóa thành chương trình, đào tạo cho người học để hai bên gặp nhau. Việc đào tạo phải gắn với doanh nghiệp là ưu tiên số một.

Hàng năm, nhà trường có sự trao đổi, gặp gỡ doanh nghiệp để nắm thông tin phản hồi về quá trình sử dụng lao động, đồng thời góp ý về tác phong, ý thức lao động, kỹ năng nghề…, để từ đó nhà trường có hướng điều chỉnh trong đào tạo.

Sinh viên cao đẳng nhận hỗ trợ 8 triệu đồng khi đi thực tập ở doanh nghiệp - 4
Sinh viên cao đẳng nhận hỗ trợ 8 triệu đồng khi đi thực tập ở doanh nghiệp - 5
Nếu không gắn kết thì vấn đề thiết bị đào tạo giữa trường nghề với các doanh nghiệp sẽ có khoảng cách về công nghệ.

“Mặc dù đã có những đầu tư nhất định về thiết bị, tuy nhiên công nghệ thay đổi rất nhanh, không có gắn kết giữa đào tạo và sử dụng sẽ dẫn đến mất thời gian cho việc làm quen. Việc gắn kết với doanh nghiệp hiện nay là yếu tố bắt buộc, không thể thiếu đối với một cơ sở đào tạo nghề nào”, ông Hùng khẳng định.

Cũng theo ông Hùng, khi nhận thức xã hội đã thay đổi thì việc tỷ lệ học sinh không đăng ký học đại học ngày một tăng là cơ hội đối với các cơ sở đào tạo nghề. Nhà trường cũng tận dụng thời cơ này để tuyên truyền, thu hút người học bằng nhiều kênh khác nhau.

Cam kết sinh viên ra trường có việc làm

Theo ông Phạm Văn Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ và Y dược miền Trung thì hiện nay, ngành Công nghệ thông tin là ngành thu hút nhiều học viên nhất của nhà trường.

Ông Hoàng cho rằng, đây là thời đại công nghệ 4.0, vị trí việc làm ngoài xã hội ứng dụng công nghệ thông tin nhiều nên học viên, sinh viên ra trường có nhiều cơ hội việc làm.

Sinh viên cao đẳng nhận hỗ trợ 8 triệu đồng khi đi thực tập ở doanh nghiệp - 6
Trường Trung cấp Công nghệ và Y dược miền Trung cam kết sinh viên hệ Cao đẳng ra trường có việc làm.

Trường Trung cấp Công nghệ và Y dược miền Trung hiện đào tạo 7 ngành nghề, trong đó Trung cấp khoảng 800 học viên, Cao đẳng khoảng 300 học viên.

“Đối với tất cả các ngành hệ cao đẳng, nhà trường cam kết với sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ có việc làm theo đúng chuyên ngành và thu nhập từ khi được tiếp nhận từ 8 - 10 triệu/tháng. Nếu không đúng như cam kết, nhà trường hoàn trả 100% học phí...", ông Hoàng chia sẻ.

Cũng không nằm ngoài xu thế chung, hiện nhà trường có ký hợp tác cùng với các doanh nghiệp để gửi sinh viên thực tập. Các doanh nghiệp nhận sinh viên thực tập cũng có nhu cầu tuyển dụng nhân lực nên sinh viên trong quá trình học và thực tập được hỗ trợ một phần kinh phí.

Khi ký kết, các doanh nghiệp cũng có yêu cầu về chuyên môn của người lao động, nhà trường sẽ kết hợp đào tạo một số kỹ năng theo yêu cầu của doanh nghiệp

Ông Hoàng đánh giá, đối với các trường nghề hiện nay vấn đề đầu ra rất quan trọng. Trước đây, chỉ đào tạo xong cấp bằng, nhưng hiện nay ngoài ký kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sinh viên, nhà trường còn hướng đến xuất khẩu lao động.

Hiện nay nguồn lao động có tay nghề theo yêu cầu của các doanh nghiệp rất ít. Thị trường lao động phong phú, nhưng toàn lao động không qua đào tạo. Hướng đi của các nhà trường hiện nay là gắn kết giữa việc đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên sau đào tạo, đây là bài toán bắt buộc.

Sinh viên cao đẳng nhận hỗ trợ 8 triệu đồng khi đi thực tập ở doanh nghiệp - 7
Trước đây, chỉ đào tạo xong cấp bằng, nhưng hiện nay ngoài ký kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sinh viên, các trường còn hướng đến xuất khẩu lao động.

Ông Hoàng liên hệ, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động thô, người lao động chỉ làm việc trong khoảng 5 - 10 năm vì yếu tố độc hại. Đó là những người bán sức lao động thô, bán sức khỏe của mình.

Còn đối với sinh viên tốt nghiệp của những trường đào tạo nghề có lợi thế lớn là được nhà trường cam kết đầu ra. Hiện nay, các doanh nghiệp sử dụng lao động cũng tìm đến các đơn vị đào tạo, không chỉ trong nước mà còn hợp tác với nước ngoài.

Theo ông Hoàng, thị hiếu hiện nay đã thay đổi, sau tốt nghiệp cấp 3 không nhất thiết phải vào đại học, các bạn có thể đi học nghề hoặc du học.

"Tuy nhiên, vấn đề là phải giải quyết đầu ra cho sinh viên, bởi vì họ không nhìn thấy con đường phía trước thì họ sẽ không đi theo mình. Nên bây giờ, người dẫn đường phải lo cả, lựa chọn, hướng nghiệp và sau khi học họ được làm gì” - ông Hoàng cho biết.