Sinh con xong thì mất việc!
“Công việc bây giờ không đúng chuyên môn, không đúng như thỏa thuận ban đầu của hợp đồng khiến em rất bức xúc nhưng không nghỉ được vì đang có con nhỏ” – Thảo kể lại câu chuyện của mình với một thái độ buồn bực lẫn cam chịu.
Thảo vốn là trưởng nhóm thiết kế của công ty thiết kế nội thất tại quận 7. Năm 2011, Thảo tốt nghiệp đại học Kiến trúc chuyên ngành Thiết kế nội thất. Ra trường, qua nhiều công việc, Thảo mới được công ty hiện tại tuyển dụng.
Từ vị trí là một nhân viên bình thường, qua thời gian phấn đấu, Thảo được cất nhắc lên làm trưởng nhóm. Năm 2013, Thảo kết hôn. Cuối năm 2016, Thảo sinh con đầu lòng. Thảo chia sẻ: “Vợ chồng em cũng có kế hoạch cho công việc, con cái cụ thể. Em muốn có một ví trí vững vàng ở công ty rồi mới sinh con. Chồng em cũng thống nhất dù gia đình hai bên rất hối thúc. Nghĩ mình phấn đấu, cống hiến cho công ty nhiều thì công ty sẽ ghi nhận. Ai ngờ...”.
Câu “Ai ngờ” được Thảo bỏ lửng với một thái độ thất vọng. Thảo làm việc đến khi sắp sinh con mới nghỉ. Ban đầu Thảo có ý định trong thời gian nghỉ sinh vẫn sẽ cố gắng hỗ trợ nhóm qua email. Tuy nhiên, Thảo sinh khó, con đầu lòng, lại không có người đỡ đần nên Thảo không thể hỗ trợ được cho công ty. Thảo có trao đổi với trưởng phòng và ban giám đốc.
Thảo nhớ lại: “Thái độ của trưởng phòng và ban giám đốc không được hài lòng cho lắm. Nhưng mình nghĩ, có thể do tâm trạng sau sinh không được tốt nên mình tưởng tượng ra thôi. Nào ngờ là thật. Công ty tuyển người mới vào thay vị trí của mình”.
“Mấy đứa em trong nhóm nhắn tin thông báo, công ty đã tuyển người thay thế vị trí của mình. Mình có buồn nhưng luôn động viên rằng “chắc chỉ trong giai đoạn mình nghỉ thai sản thôi”. Thế nhưng, sau 6 tháng nghỉ thai sản, mình đi làm lại, công ty cho biết, vị trí của mình đã có người thay thế, mình sẽ được bố trí một công việc khác với lương không đổi” - Thảo chia sẻ.
Nói về lý do chọn người thay thế, trưởng phòng cho biết, công ty không thể tìm được người nào chịu làm việc 6 tháng, họ đòi hỏi phải làm việc lâu dài. Vì công việc đang gấp, công ty đang cần người nên đã ký hợp đồng lao động 1 năm với người mới. Thảo muốn về vị trí của mình thì phải chờ. Tuy nhiên, nếu người mới làm việc tốt, công ty tái ký hợp đồng lao động thì Thảo phải chịu.
Phần Thảo, công ty thông báo đang có hai vị trí trống thuộc bộ phận giám sát thi công và phòng kinh doanh. Thảo bộc bạch: “Nếu làm ở phòng giám sát thi công, có thể vẫn còn liên quan đến kiến thức chuyên môn của mình nhưng công việc phải ra ngoài nhiều.
Chưa kể, nếu đội thi công làm đêm mình vẫn phải có mặt để đảm bảo chất lượng công việc. Như vậy, với một người có con nhỏ, mình không thể nào đảm nhận được. Còn công việc ở phòng kinh doanh, chăm sóc khách hàng mặc dù không đúng chuyên môn nhưng công việc này ổn định, ngồi ở văn phòng, hết giờ làm việc thì về với con”.
Thảo thú thật: Công việc mới không khiến Thảo hăng say như trước. Phần không đúng chuyên môn, phần vì tâm lý sau sinh nên Thảo liên tục bị trưởng phòng mới nhắc nhở. Thảo đã nhiều lần tính đến chuyện nghỉ việc nhưng lại e ngại khi đi xin việc mới, các công ty ngại tuyển lao động nữ đang có con nhỏ.
“Lao động nữ nghỉ thai sản, đó là thiên chức của người mẹ và được pháp luật bảo vệ. Tôi nghĩ, trưởng phòng tôi là nữ, họ cùng từng sinh con. Giám đốc tôi là nam nhưng ông ấy cũng có vợ, vợ ông ấy cũng phải sinh con, nghỉ thai sản. Tại sao mọi người lại đối xử với tôi như vậy, chưa kể tôi đã có rất nhiều năm gắn bó với công việc, phấn đấu hết mình. Nghĩ đi nghĩ lại, lao động nữ đang chịu quá nhiều thiệt thòi” – chị thở dài.
Theo Báo Lao động