Sếp BHXH trần tình về mức lương bằng 180% lương công chức
Phóng viên Báo Đầu tư điện tử - có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Sinh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam về việc ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) được hưởng hệ số lương 1,8 (tức là bằng 180% so với lương của cán bộ, công chức nhà nước) đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Ông Sinh nói: “Thực ra thu nhập bình quân của của hơn 18.600 cán bộ ngành bảo hiểm chỉ vào khoảng 5,5 triệu đồng/tháng - không cao hơn nhiều so với các ngành khác”.
Năm 2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép hệ thống BHXH được thí điểm hưởng hệ số lương 1,8 trong 3 năm, từ 2012 đến 2015.
Giải thích về việc này, ông Sinh cho biết, kể từ khi thành lập (năm 1995) đến năm 2007 (trước khi Luật BHXH có hiệu lực), Thủ tướng Chính phủ cho phép BHXH được sử dụng phần lãi từ hoạt động đầu tư để vận hành bộ máy, chi phí quản lý hành chính, chi lương cho người lao động.
Khoản chi này trong giai đoạn 2003-2004 tương đương 4% tổng số thu và giai đoạn 2005-2006 tương đương 3,6% tổng số thu nên hệ số lương của người lao động bằng khoảng 2 lần so với lương của cán bộ, công chức.
Có cơ chế này, theo ông Sinh, vì BHXH là cơ quan rất đặc thù: vừa là cơ quan hành chính (được ban hành thủ tục hành chính), vừa không phải là cơ quan hành chính vì không hưởng lương từ ngân sách mặc dù BHXH là 1 trong 8 cơ quan trực thuộc Chính phủ; vừa là cơ quan sự nghiệp vì quản lý thu chi, lại vừa không phải là cơ quan sự nghiệp vì không được áp dụng chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, biên chế, tài chính; vừa là doanh nghiệp vì có hoạt động đầu tư, lại vừa không phải là doanh nghiệp vì không được quyền quyết định thu nhập cho người lao động.
“Sau khi Luật BHXH có hiệu lực, BHXH được phép chi lương tăng thêm cho người lao động không quá 1 lần so với mức tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ do Nhà nước quy định. Mặc dù đã hết sức tiết kiệm chi phí để cải thiện thu nhập, nhưng thực tế thu nhập của người lao động bình quân chỉ vào khoảng 2.254.000 đồng/tháng. Hệ quả là trong giai đoạn 2007-2009 có tới 1.353 trong tổng số khoảng 9.000 biên chế xin ra khỏi ngành. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của BHXH, vì những người xin ra khỏi biên chế đều là người có chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và y dược”, ông Sinh cho biết.
“Trước tình hình này, cộng với việc kể từ năm 2009, BHXH còn được giao thêm nhiệm vụ thu, chi, quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời, số người tham gia bảo hiểm y tế, BHXH ngày càng tăng khiến khối lượng công việc của BHXH ngày càng nặng nề, trong khi biên chế chỉ có hạn, do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc cho chúng tôi áp dụng hệ số lương 1,8”, ông Sinh giải thích.
Đưa ra số liệu về sự hợp lý trong trường hợp BHXH được hưởng hệ số lương 1,8, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, không tính khối lượng công việc do phải quản lý, thu - chi bảo hiểm thất nghiệp, năm 2007 chỉ có 7,43 triệu người tham gia BHXH thì đến năm 2014, con số này đã tăng lên 11 triệu người; số người tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 34,79 triệu người lên 63 triệu người; số thu của toàn ngành tăng từ 30 ngàn tỷ đồng lên 193 ngàn tỷ đồng; số chi tăng từ 41 ngàn tỷ đồng lên 190 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, lao động của toàn ngành chỉ tăng từ 6.000 người lên 20.500 người.
“Thực ra, nếu trừ đi những người làm hợp đồng để thực hiện công việc tạp vụ, bảo vệ, lái xe, biên chế của chúng tôi chỉ có 18.636 người. Như vậy, bình quân một cán bộ ngành bảo hiểm phải quản thu chi cho 3.380 người, với số tiền là 20.551 triệu đồng/năm. Trong khi đó, ngành thuế và hải quan được trang bị công nghệ, thiết bị hơn chúng tôi rất nhiều, bình quân mỗi cán bộ của họ một năm chỉ quản lý thu khoảng 12 tỷ đồng mà vẫn được hưởng hệ số lương là 1,8”, lãnh đạo BHXH phân tích và đưa ra so sánh.
Mặc dù không có ý so bì, nhưng lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng tỏ ra chạnh lòng khi mà lương của người lao động tại 2 cơ quan cùng thuộc Chính phủ là Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam đang được hưởng hệ số từ 2,5 đến 3,5, nhưng "không ai nói gì" vì họ được coi là cơ quan sự nghiệp có thu.
Hay như hệ số lương của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Thuế, Hải quan đều từ 1,8 đến 2,5 lần, nhưng cũng "không ai nói gì" vì họ được coi là… hoạt động đặc thù.
“Chúng tôi không được coi là cơ quan sự nghiệp, nên không được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và tài chính như đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP và cũng không được hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp nghề nghiệp như lĩnh vực y tế, giáo dục.
Chúng tôi cũng không được coi là cơ quan hành chính để được hưởng chế độ phụ cấp công vụ như cán bộ, công chức nhà nước. Hoạt động của chúng tôi cũng không khác gì bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và càng ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp bảo hiểm trong việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH và bảo hiểm y tế tự nguyện, nhưng chúng tôi lại không được tự chủ về tài chính để được quyền tự quyết định lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ về vật chất, tinh thần khác cho người lao động như Bảo Việt, Bảo Minh... Trong khi năm nay, chúng tôi thu được ít nhất 25.000 tỷ đồng cho Quỹ BHXH từ đầu tư tiền nhà rỗi”, ông Đỗ Văn Sinh nêu một loạt thứ "không được" của BHXH như chứng minh cho sự thiệt thòi của ngành mình.
Theo Mạnh Bôn/Báo Đầu Tư