1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tiền Giang:

Sầu riêng xuất ngoại tăng giá kỷ lục, nông dân lãi ngay tiền tỷ

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Sau Tết Nguyên đán, giá sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng phi mã, có thời điểm giá thu mua tại vựa lên đến hơn 200.000 đồng/kg. Nông dân Tiền Giang bỗng chốc lãi tiền tỷ.

Từ trước Tết Nguyên đán, nông dân các tỉnh miền Tây đã bắt đầu thu hoạch sầu riêng nghịch mùa. Từ mức 70.000-80.000 đồng/kg, giá sầu Ri6, Dona tăng vọt lên 130.000 đến 210.000 đồng/kg mà thương lái vẫn "đỏ mắt" lùng sục. 

Sầu riêng xuất ngoại tăng giá kỷ lục, nông dân lãi tiền tỷ (Clip: Bảo Kỳ).

Giá bán kỷ lục

Anh Huỳnh Tấn Lộc - Giám đốc HTX Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết, đã 10 năm hoạt động, chưa từng thấy trái sầu riêng có giá bán hấp dẫn đến thế.

Hiện sầu riêng Ri6 có giá 130.000-140.000 đồng/kg, sầu riêng Dona từ 170.000 đến 180.000 đồng/kg. Đây là mức giá thu mua sầu riêng loại 1, loại 2 để xuất khẩu.

Sầu riêng xuất ngoại tăng giá kỷ lục, nông dân lãi ngay tiền tỷ - 1

Nông dân Tiền Giang phấn khởi vì sầu riêng tăng giá (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo anh Lộc, những năm trước giá sầu riêng nghịch mùa dao động từ 60.000 đến 80.000 đồng/kg, cao nhất khoảng 115.000 đồng/kg (cắt tại vườn). Đến năm 2020, ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên sầu riêng thất mùa. Sang năm 2021, vì dịch bệnh nên sức tiêu thụ loại trái cây đặc sản này cũng chậm, có lúc chỉ còn 35.000 đồng/kg. 

"Từ tháng 7/2022 nhờ Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc được ký, giá cả mặt hàng này có sự thay đổi. Mặt khác, thời điểm này Thái Lan chưa có sầu riêng nên Trung Quốc vẫn đang tiêu thụ sầu riêng Việt Nam là chủ yếu. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá sầu riêng liên tục tăng", Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp cho hay. 

Sầu riêng xuất ngoại tăng giá kỷ lục, nông dân lãi ngay tiền tỷ - 2

Những quả sầu riêng được đánh giá chất lượng tốt có trọng lượng trung bình khoảng 4-5kg và từ 4 hộc múi. Những quả này được xếp vào hàng loại 1, loại 2 để xuất khẩu (Ảnh: Bảo Kỳ).

Dù giá cao nhưng anh Lộc cho biết vẫn gặp khó trong khâu thu mua vì sầu riêng nghịch mùa rất hiếm hàng. Hợp tác xã phải tìm mua ở nhiều tỉnh ĐBSCL mới gom đủ số lượng để đóng chuyến hàng xuất khẩu. Sắp tới sẽ có 2 đợt thu hoạch trái nữa, vào đầu và cuối tháng 2 âm lịch.

"Để có sầu riêng chín lúc này, nông dân phải làm bông từ tháng 7, tháng 8 âm lịch. Lúc đó mưa nhiều, khiến sầu riêng rất khó thụ phấn, tỷ lệ đậu trái thấp", anh Lộc lý giải. 

Được biết, HTX sầu riêng Ngũ Hiệp hiện có 102 thành viên, quy mô sản xuất 191ha. Sầu riêng bán được giá nên bà con xã viên rất phấn khởi. 

Một vụ lãi ngay tiền tỷ

Có 6 công (tương đương 6.000m2) đất, canh tác 150 gốc sầu riêng Ri6 và Dona, anh Nguyễn Văn Triệu (43 tuổi, thành viên HTX sầu riêng Ngũ Hiệp) cho biết, vụ trái này sau khi trừ hết chi phí, anh lãi khoảng 1,2 tỷ đồng. 

"So với cây trồng khác, sầu riêng khó canh tác hơn nhưng từ trước tới nay trồng sầu riêng rất ít khi lỗ, nếu giá xuống còn 50.000 đồng/kg cũng vẫn... huề, trừ năm 2020 bị hạn mặn nên cây thiệt hại nhiều.

Hiện nay giá sầu lên cao gấp 3 lần năm ngoái, tôi rất mừng. Mong rằng giá này sẽ được giữ vững để bà con có thêm lợi nhuận", anh Triệu nói. 

Sầu riêng xuất ngoại tăng giá kỷ lục, nông dân lãi ngay tiền tỷ - 3

Với 10 tấn sầu riêng chờ xuất bán, anh Triệu ước tính lãi trên 1 tỷ đồng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cũng theo anh Triệu, mỗi cây sầu riêng trong vườn anh có 40-45 trái, năng suất 200kg/cây. Vụ nghịch này anh dự kiến thu hoạch được 10 tấn trái, được hợp tác xã bao tiêu. 

Còn ông Nguyễn Văn Hạnh hào hứng cho hay, từ ngày trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn để xuất khẩu, đời sống kinh tế gia đình ông có sự thay đổi. Quy trình chăm sóc, thời điểm bón phân, phun thuốc, cách ly đều được ghi chép vào sổ theo dõi. 

"Kỹ thuật canh tác, sản xuất được hướng dẫn và quản lý chặt chẽ. Đến khâu xuất bán cũng được bao tiêu nên tôi yên tâm lắm. Thời gian qua, vật tư nông nghiệp tăng giá nhưng bây giờ giá sầu riêng tăng nên bù qua đắp lại vẫn có lợi nhuận tốt", lão nông U80 nói. 

Sầu riêng xuất ngoại tăng giá kỷ lục, nông dân lãi ngay tiền tỷ - 4

Lão nông Nguyễn Văn Hạnh phấn khởi khi trồng sầu riêng hơn 30 năm, lần đầu thấy sản phẩm thu mua, xuất sang Trung Quốc có giá cao đến thế (Ảnh: Bảo Kỳ).

Tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng toàn tỉnh Tiền Giang đạt hơn 17.600ha. Trong đó, có hơn 10.500 ha sầu đang trong thời kỳ cho trái, năng suất trung bình 26,4 tấn/ha, sản lượng 278.249 tấn. Số lượng sầu riêng phân bổ ở các địa phương gồm huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy.