1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Sau 4 năm bị đánh rớt, được doanh nghiệp quay lại "rước kiệu hoa"

(Dân trí) - Anh Hoàng bất ngờ khi công ty anh nộp đơn dự tuyển và đã bị "đánh rớt" cách đây gần 4 năm bất ngờ liên hệ, mời anh đến thử việc với những hứa hẹn lương bổng hấp dẫn.

Đầu tháng 11, anh Trần Hữu Hoàng, 30 tuổi, đang làm việc tại một công ty tài chính có trụ sở ở Quận 1, TPHCM vô cùng ngạc nhiên khi nhận được thư, cuộc gọi trực tiếp từ phòng nhân sự mời nhận việc với những hứa hẹn hấp dẫn của một công ty sữa có tiếng trong nước. 

Sau 4 năm bị đánh rớt, được doanh nghiệp quay lại rước kiệu hoa - 1

Ứng viên gặp tình huống được mời nhận việc sau vài năm bị đánh rớt (Ảnh minh họa).

Anh Hoàng ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Mãi sau anh mới nhớ cách đây hơn 3 năm, anh có nộp đơn, phỏng vấn vào vị trí sale của công ty, nhưng bị đánh rớt. Thời gian dài sau đó, anh vẫn vừa tiếc vừa "cay" vì đây là môi trường làm việc mơ ước của chàng ứng viên từ hồi đi học, anh dồn nhiều kỳ vọng mà rồi chỉ nhận được lời từ chối "không phù hợp". 

Mọi chuyện đã trở thành quá khứ, anh Hoàng vùi đầu vào công việc mới, giờ đã là trưởng bộ phận dự án ở công ty tài chính, có thu nhập ổn định.

Giờ nhận được thông tin từ công ty từng đánh rớt mình mời hợp tác, anh Hoàng không khỏi bất ngờ. Bản thân anh chưa có suy nghĩ nhảy việc vào thời điểm này nhưng việc "trúng tuyển sau 4 năm bị đánh rớt"  khiến anh ngạc nhiên lẫn "khấp khởi" và tự hỏi liệu có nên thử sức.

Khi anh Hoàng chia sẻ tình huống mình gặp phải, có người nói với anh hãy thử đến gặp, trao đổi, biết đâu có nhiều cơ hội mới. Nhưng cũng có người gạt đi cho rằng, thời điểm này, các công ty đang khủng hoảng nhân sự, thiếu người quay lại mà... í ới thì cũng không phải "sáng sủa" gì. 

"Có người nói với tôi, giống như anh chàng từng bị cô gái từ chối lời tỏ tình. Rồi vài năm sau, cô gái ấy ế quá, chẳng kiếm được ai nên quay lại... mời gọi. Mình giống hàng "dự phòng", cũng tự ái chớ bộ", anh Trần Hữu Hoàng bộc bạch.  

"Săn" ứng viên cũ 

Cũng như anh Hoàng, nhiều người khá ngạc nhiên với việc công ty đã "đánh rớt" ứng viên, thời gian sau, có khi vài năm trời lại liên hệ mời phỏng vấn lại hoặc mời hợp tác. 

Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý và những người làm nhân sự lâu năm chia sẻ đây là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Thậm chí, những năm gần đây, việc tìm lại ứng viên cũ nằm trong chính sách tìm người tài của không ít doanh nghiệp.

Sau 4 năm bị đánh rớt, được doanh nghiệp quay lại rước kiệu hoa - 2

Nhiều doanh nghiệp lưu lại hồ sơ của ứng viên rớt tuyển, có thể tuyển dụng lại khi cần thiết (Ảnh minh họa).

Trao đổi tại tọa đàm thu hút nhân tài trong bối cảnh mới được tổ chức ít ngày trước, ông Đỗ Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc công ty phần mềm tại TPHCM cho biết, trước đây, thường là người lao động đi tìm việc thì bây giờ doanh nghiệp đi tìm người phù hợp.

Trong đó, "săn" lại ứng viên cũ là một kênh quan trọng để tuyển dụng mà nhiều nơi chưa thật chú ý, còn ứng viên cũng... chưa quen. 

Ông Quang thông tin, nhiều doanh nghiệp hiện nay xây dựng cơ sở dữ liệu lưu trữ những người trước đây họ chưa tuyển được hay những ứng viên chưa đủ tiêu chuẩn, vị trí công việc lúc đó. Đến một thời điểm nào đó, doanh nghiệp có thể chào cơ hội đến họ, mong muốn họ làm việc. 

Theo các nhà nhân sự, tìm lại ứng viên cũ có rất nhiều ưu thế trong việc tuyển dụng so với tìm người mới. Thứ nhất là ứng viên đã từng quan tâm, có mong muốn làm việc tại công ty. Thứ hai, nhà tuyển dụng nắm được profile, những lợi thế, hạn chế của ứng viên. Đặc biệt "mời gọi lại sau một thời gian" thì nhà tuyển dụng nắm chắc ứng viên sẵn có kinh nghiệm làm việc nơi khác.  

Việc săn người đang có chỗ làm yên ổn trên thị trường lao động hiện nay là một cuộc đua giữa các doanh nghiệp. Chị Lê Thư Lan, trưởng phòng nhân sự một công ty tài chính ở Quận 3, TPHCM cho biết, khi doanh nghiệp chủ động đi "săn" người thì họ thường đã biết được năng lực, vị trí của ứng viên, tăng cơ hội tuyển được người phù hợp.

Nhưng để "giật" được người đang có công việc ổn định về, theo chị Thư Lan đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng hoàn thiện năng lực cạnh tranh, có đủ sức hấp dẫn về chế độ, phúc lợi, môi trường làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp... 

Quản lý nhân sự này cho biết, công ty mình cũng từng mời gọi thành công vài trường hợp từng là ứng viên... bị đánh rớt lúc mới ra trường.

"Ứng viên nào lúc này đi tìm việc bị đánh rớt cũng khoan buồn, mất hy vọng. Cứ nỗ lực, phát triển hết mình, biết đâu đến một ngày, công ty mà mình mơ ước lại rình rang "đưa kiệu hoa đến rước về". Công việc cũng là cái duyên chúng ta không biết trước được", chị Thư Lan hóm hỉnh.