1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Sau 30 năm bền bỉ “rót” mồ hôi xuống rừng hoang, cựu binh thành tỷ phú

Hà Phương

(Dân trí) - Hơn 30 năm ròng rã lên núi lập nghiệp, với nghị lực phi thường, người cựu binh Phan Công Thi (Hà Tĩnh) đã biến đồi hoang thành trang trại có nguồn thu hàng tỷ đồng.

Chinh phục đất cằn

Ông Phan Công Thi (SN 1956, xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) từng có chuỗi ngày cầm súng quần thảo với Mỹ Ngụy ở các chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên.

Lòng dũng cảm, mưu trí và chút may mắn đã giúp ông vượt qua đạn lửa của địch. Xuất ngũ trở về quê vào năm 1980, cựu binh Phan Công Thi chịu thương tật 41%, hưởng chế độ thương binh hạng 4/4.

Trở về quê lập gia đình, khó khăn bủa vây lấy đôi vợ chồng người cựu chiến binh. Lăn lộn đủ nghề để kiếm sống, cuối cùng ông chọn núi Ba Lòi nằm ở cuối thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa để lập nghiệp.

Sau 30 năm bền bỉ “rót” mồ hôi xuống rừng hoang, cựu binh thành tỷ phú - 1

Suốt hơn 30 năm qua, cựu chiến binh Phan Công Thi không nghỉ ngơi, ông đã đổ mồ hôi để bắt cánh rừng hoang hóa thành trang trại. Ảnh: Vũ Huyền.

Tại đây, ông đã trình bày quyết tâm chinh phục rừng hoang với khí chất của một người lính cụ Hồ, chính quyền xã đã hỗ trợ thủ tục. Còn tất cả đều dựa vào ý chí, đôi bàn tay của đôi vợ chồng ông Thi.

Những ngày đầu đặt chân lên khu rừng rộng gần 30ha lau lách, cây dại phủ kín, không điện, đường, từ trung tâm xã phải đi vòng mất gần 30 km mới đến nơi. Cuộc sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, vợ chồng ông Thi gặp quá nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là vốn.

Kỳ Hoa quê ông thời điểm hơn 30 năm trước, phần đông các hộ còn thiếu ăn, nói chi đến đi mượn tiền làm vốn. Ngân hàng cũng khó, vì trong tay ông gần như không có tài sản thế chấp.

Vốn liếng duy nhất ông có lúc đó là khát vọng chinh phục rừng hoang. Kế sách được ông Thi và người vợ tần tảo của mình kiên trì thực hiện đó là “lấy ngắn nuôi dài”.

Ông bà đã quần quật suốt ngày đêm khai hoang, biến những vùng đất thấp gần khe suốt thành những ruộng lúa, cao hơn chút đỉnh là trồng màu, trồng khoai, lạc.

Sau 30 năm bền bỉ “rót” mồ hôi xuống rừng hoang, cựu binh thành tỷ phú - 2

Ông Thi và đàn trâu trị giá hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Vũ Huyền.

Kế sách của vợ chồng ông Thi thật hợp lý. Nhờ chủ động được lúa, khoai, lạc để ổn định cuộc sống, vợ chồng ông đã có thêm sức lực khai phá hàng chục ha đất vàng đang bị lau lách, cây dại phủ kín, đồng thời mở mang làm thêm dịch vụ. 

Đầu tiên là gây dựng mấy con trâu khỏe để nhận sức kéo cho người dân, tiếp đó là mua thuyền về làm dịch vụ giao thông đường thủy phục vụ người Kỳ Lạc, Kỳ Hoa, Kỳ Tân đi lại qua hồ Kim Sơn.

Hơn chục năm cật lực với nhiều nghề, ông bà gom góp vốn liếng phát triển dần đàn trâu và từng bước phủ xanh những cánh rừng.

"Tỷ phú" giữa rừng xanh

Từ khoảng năm 2005 lại nay, từ chỗ nuôi trâu đực lấy sức kéo, ông Thi phát triển đàn trâu thương phẩm. Tận dụng diện tích đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, không cần phải lo thức ăn, ông đã tăng mạnh về số lượng trâu nuôi.

Nhiều năm qua, nhưng ông bà luôn duy trì đàn ở mức 28 - 30 con. Mỗi con trâu xuất đi, ông bà thu về hàng chục triệu đồng, trở thành nguồn thu nhập chính, ổn định của gia đình.

Cùng với nuôi trâu, ông Thi và gia đình đã chú trọng trồng rừng. Từ chỗ trồng theo cảm tính, chủ yếu là trồng bạch đàn, nhưng do hiệu quả kinh tế thấp, vòng vốn sinh lãi lâu hơn, ông Thi đã chuyển sang trồng keo lá tràm.

Khoảng 30 ha của gia đình hiện nay đã đi vào quy trình chăm sóc, thu hoạch, trồng mới.

Sau 30 năm bền bỉ “rót” mồ hôi xuống rừng hoang, cựu binh thành tỷ phú - 3

Vợ chồng ông Thi rảo bước trên những cánh rừng keo nghi ngút màu xanh. Ảnh: Vũ Huyền.

"Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đến nay, tôi đã phân kỳ thu hoạch rải đều, để vừa hạn chế rủi ro thiên tai, vừa tránh bị ép giá khi cho sản phẩm đồng loạt cùng lúc. Từ hơn 5 năm nay, đều đặn năm nào rừng cây nguyên liệu cũng cho thu hoạch vài ha, là sản phẩm chủ lực thứ 2 của trang trại. Và cây keo cũng mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình” - ông Thi chia sẻ.

Ngoài chăn nuôi trâu, trồng rừng, ông Thi còn chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, phát triển thêm các loại hình dịch vụ để tăng nguồn thu. Từ năm 2014, tận dụng con đường nối từ trung tâm xã đến tận vùng núi Ba Lòi đã được xây dựng, vợ chồng ông Thi đã đầu tư mua sắm xe ô tô để tiện giao dịch. 

Ngoài ra, ông Thi còn sắm cho 2 con trai đã lập gia đình 2 chiếc xe tải để làm nghề vận chuyển cây gỗ nguyên liệu đến các nhà máy tiêu thụ.

Ông Thi vui vẻ nói về thành quả sau hàng chục năm bám núi, khai phá rừng hoang: Cuộc sống của gia đình đã khấm khá, đủ đầy hơn trước, lãi ròng từ các nguồn thu đạt gần 600 triệu/năm, con cái có việc làm, thu nhập ổn định.

Trang trại của ông ngày nối ngày đón bạn bè, khách tới cùng vui thú với ngắm những cánh rừng bạt ngàn màu xanh, thả cá, hay ngắm, thưởng thức sản vật của trang trại.

Bản thân cựu chiến binh Phan Công Thi trở thành một tấm gương sáng trong nỗ lực vượt lên khó khăn, làm giàu. Ông đã được các cấp hội cựu chiến binh, nông dân từ địa phương đến Trung ương tuyên dương.