1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sắp có danh mục nghề buộc phải qua đào tạo

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Danh mục các nghề, công việc phải sử dụng lao động đã qua đào tạo” nhằm mục tiêu hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo và nâng cao chất lượng, sản phẩm, dịch vụ.

Sắp có danh mục nghề buộc phải qua đào tạo - 1
Theo thống kê xây dựng là ngành nghề xảy ra tai nạn lao động nhiều nhất. (ảnh minh hoạ)
 
Cụ thể, danh mục nghề, công việc phải sử dụng lao động đã qua đào tạo trong Dự thảo được sắp xếp theo 9 nhóm ngành: công nghiệp (gồm 10 lĩnh vực); xây dựng (4 lĩnh vực); giao thông vận tải (4 lĩnh vực); nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (4 lĩnh vực); dịch vụ, du lịch (2 lĩnh vực); bưu chính viễn thông và thông tin liên lạc; y tế (3 lĩnh vực); văn hoá nghệ thuật; tài nguyên và môi trường (4 lĩnh vực).

Dự thảo này được xây dựng theo ba tiêu chí: các nghề, công việc nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng, đòi hỏi người lao động phải được đào tạo để hạn chế các tai nạn; các nghề, công việc đòi hỏi người lao động phải được đào tạo nhằm nâng cao chất lượng và sự an toàn của người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong một số lĩnh vực đặc thù như: y tế, giao thông vận tải, du lịch, văn hoá...

Đối với nghề, công việc đòi hỏi người lao động phải có bằng, giấy phép hành nghề (hoặc chứng chỉ hành nghề) mới được hành nghề theo quy định tại các Luật chuyên ngành như: Xây dựng, kiểm toán, đấu thầu, hoá chất... thì không quy định trong danh mục này.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thi Kim Ngân, hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta chỉ đạt khoảng 30%, trong đó số được đào tạo nghề qua trường lớp, bài bản càng thấp hơn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn lao động ngày càng gi tăng mạnh trong những năm gần đây.

Vì thế việc ban hành “Danh mục các nghề, công việc phải sử dụng lao động đã qua đào tạo” là điều cần thiết phải triển khai sớm.

P.Thanh- T.Minh