Sao phải tuyển lao động Trung Quốc?

Hàng loạt công trình, dự án ở Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Đắk Nông… sử dụng hàng ngàn “công nhân kỹ thuật” Trung Quốc, trong đó nhiều người làm những công việc mà lao động phổ thông địa phương dư sức đảm nhận

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau khi UBND TP Đà Nẵng cho phép Công ty TNHH Sichuan Hua Shi đưa 300 lao động từ Tứ Xuyên - Trung Quốc  (TQ) qua làm việc tại công trình khách sạn JW Marriott, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho rằng đây là việc làm hơi vội vã. “Nếu Đà Nẵng thực sự thiếu nhân lực, thiếu đội ngũ lao động kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công việc thì mới tính đến chuyện cho nhà đầu tư nước ngoài đưa người của họ vào” - ông nhấn mạnh.

Chưa đăng ký tuyển lao động Việt Nam

Ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP Đà Nẵng, cho biết Công ty Sichuan Hua Shi đã có văn bản xin phép UBND TP tuyển dụng 300 “lao động kỹ thuật” nước ngoài theo Nghị định 102/2013. Sichuan Hua Shi giải thích dự án có dấu hiệu chậm tiến độ nên phải tăng cường 650 lao động, gồm cả 300 “lao động kỹ thuật” từ công ty mẹ ở Tứ Xuyên.

Nhiều “lao động kỹ thuật” ở Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) làm những công việc giản đơn như trộn hồ, khuân sắt... Ảnh: CAO NGUYÊN
Nhiều “lao động kỹ thuật” ở Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) làm những công việc giản đơn như trộn hồ, khuân sắt... Ảnh: CAO NGUYÊN

Theo Nghị định 102/2013, trước khi tuyển lao động nước ngoài, nhà thầu có trách nhiệm đề nghị tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển lao động nước ngoài. Ông Ánh khẳng định Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng đã kiểm tra thực tế dự án JW Marriott, nhận thấy nhu cầu sử dụng lao động kỹ thuật là có thật nên tham mưu cho UBND TP chấp thuận đề nghị của Sichuan Hua Shi. Tuy nhiên, ông thừa nhận chưa nghe công ty này đăng ký tuyển dụng lao động địa phương.

Trong khi đó, tính đến đầu tháng 10-2015, Đà Nẵng có 422 doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài với 1.245 người. Trong đó, 55 đơn vị sử dụng 314 lao động TQ, Đài Loan, Hồng Kông, tập trung nhiều nhất tại 2 công ty Silver Shores và Sichuan Hua Shi. Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người nước ngoài đi du lịch Đà Nẵng rồi ở lại làm việc trái phép. Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện trên 60 lao động nước ngoài, hầu hết là người TQ, làm việc “chui”.

Theo ông Ánh, việc kiểm tra lao động người nước ngoài ở Đà Nẵng được thực hiện định kỳ  hoặc đột xuất. Tuy vậy, cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm tra người đăng ký làm việc, còn với người mượn danh đi du lịch thì không có quyền. Hơn nữa, việc kiểm tra lao động TQ tại các dự án do phía TQ làm chủ đầu tư cũng rất khó khăn. Muốn vào kiểm tra phải có công văn thông báo trước, nếu đột xuất đến thì họ không tiếp.

Ông Ánh cho biết UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở LĐ-TB-XH cùng Công an TP chuẩn bị kỹ việc quản lý lao động TQ sang làm việc. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ chứng nhận bằng cấp của từng lao động nước ngoài để ngăn chặn trường hợp lao động phổ thông nhập cảnh, “đội lốt” lao động kỹ thuật.

Lập lờ “lao động kỹ thuật”

Không chỉ Đà Nẵng, hàng loạt công trình, dự án ở Hà Tĩnh, Đắk Nông… cũng tuyển hàng ngàn “lao động kỹ thuật” TQ. Điều đáng nói là trong đó, nhiều người làm những công việc mà lao động phổ thông địa phương dư sức đảm nhận.

Theo Ban Quản lý các khu kinh tế (KKT) Hà Tĩnh, đến tháng 11-2015, các dự án ở KKT Vũng Áng có trên 34.000 lao động làm việc, trong đó có 5.500 người TQ. Những lúc cao điểm như vào tháng 7-2015, có tới 6.106 người TQ làm việc tại đây.

Số lao động không được cấp phép, làm việc “chui” tại KKT Vũng Áng trước đây là rất lớn. Theo một kết quả kiểm tra vào tháng 10-2014 của các ngành chức năng Hà Tĩnh, trong 4.154 lao động TQ làm việc tại KKT Vũng Áng thì chỉ có 1.400 người được cấp phép.  Kiểm tra 6 công ty tại KKT này, Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện 303 lao động TQ làm việc “chui” và xử phạt hơn 4,5 tỉ đồng.

“Lao động TQ tại dự án Formosa, KKT Vũng Áng hầu hết đều đi theo các nhà thầu sang. Họ chủ yếu chuyên về ngành luyện thép. Lao động mình đáp ứng không được nên các nhà thầu mới sử dụng lao động TQ” - ông Phan Trần Đệ, Phó trưởng Ban Quản lý KKT Hà Tĩnh, cho biết.

Tại Đắk Nông, Nhà máy Alumin Nhân Cơ (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp) hằng ngày luôn có hơn 100 công nhân TQ làm việc. Ông Đoàn Vũ Hoàng - Trưởng Phòng Bảo vệ, Thanh tra, Pháp chế Công ty CP Alumin Nhân Cơ - cho biết lao động TQ ở nhà máy thay đổi hằng ngày, đến nay còn khoảng 140 người.

“Đối với lực lượng công nhân kỹ thuật thì các công ty bên TQ người ta tuyển chứ mình làm sao tuyển được? Sau đó, họ lập danh sách chuyển sang rồi mình làm các thủ tục, trường hợp nào được thì mới cho vào” - ông Hoàng giải thích. Thế nhưng, trong một lần tiếp cận, chúng tôi ghi nhận rất nhiều công nhân TQ làm những công việc giản đơn như trộn hồ, khuân sắt, đẩy xe rùa…

Không đáp ứng được yêu cầu?

Về việc Đà Nẵng cho phép Sichuan Hua Shi đưa 300 lao động từ Tứ Xuyên qua, ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP, đặt vấn đề tại sao phải tuyển lao động TQ. Phải chăng, vì Đà Nẵng thiếu lao động nên chính quyền TP mới đồng ý để Công ty Sichuan Hua Shi đưa người từ TQ sang tham gia xây khách sạn JW Marriott?

Theo ông Tiếng, thợ xây dựng Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng được đánh giá là có tay nghề cao, từng thi công hàng trăm công trình hoành tráng khắp cả nước. Vì thế, nếu cho rằng không tuyển được lao động tại chỗ do không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật để đưa hàng trăm người từ TQ sang thì rất không thuyết phục.

Trước đó, năm 2014, dư luận cũng hết sức lo ngại khi nhà thầu dự án Formosa xin phép chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho tuyển dụng hàng ngàn lao động TQ. Khi ấy, nhiều người không khỏi băn khoăn những vị trí công việc ở dự án Formosa, lao động Việt Nam có đáp ứng được không và nhà thầu đã thông báo tuyển dụng rộng rãi trong nước theo Nghị định 102/2013 chưa mà đã cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài?

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB-XH cho biết trước khi tuyển lao động nước ngoài vào làm việc xây lắp ngắn hạn tại dự án Formosa, nhà thầu cũng đã có văn bản đề nghị tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến. “Dù tỉnh Hà Tĩnh đã thông báo rộng rãi nhưng chỉ tuyển được 5%-10% lao động trong nước. Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu” - đại diện Cục Việc làm giải thích.

Phải rao tuyển trước lao động Việt Nam

Theo Nghị định 102/2013 của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam), nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của nhà thầu được quy định: Trường hợp cần sử dụng lao động nước ngoài có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì trong hồ sơ mời thầu phải kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của lao động nước ngoài...

Trước khi tuyển lao động nước ngoài, nhà thầu có trách nhiệm đề nghị tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển lao động nước ngoài (kèm theo xác nhận của chủ đầu tư) với chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu. Trường hợp địa phương không giới thiệu hoặc cung ứng được lao động Việt Nam cho nhà thầu thì chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc nhà thầu được tuyển lao động nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được đó.

Theo Báo Người lao động