Cho 300 lao động Trung Quốc vào Đà Nẵng thi công "chỉ là chuyện nhỏ"?

Dư luận những ngày qua băn khoăn trước việc lãnh đạo Đà Nẵng cho nhà thầu Cty TNHH Sichuan HuaShi điều chuyển công nhân từ Công ty mẹ (Tứ Xuyên, Trung Quốc) sang thực hiện giai đoạn 2 của Khách sạn JW Marriott thuộc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Silver Shores (tại lô 8, đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)...

Bởi vị trí của dự án giai đoạn 2 Khách sạn JW Marriott đối diện sân bay Nước Mặn, được cho khá nhạy cảm về an ninh quốc phòng. 

Khách sạn JW Marriott thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores 
Khách sạn JW Marriott thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores 

Đưa lao động Trung Quốc vào để chạy tiến độ

Ngày 30/9, ông Li Zhao Ming (Trung Quốc), Tổng Giám đốc Cty TNHH đầu tư và phát triển Silver Shores có công văn gửi Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu: “Hiện Cty đang khẩn trương đốc thúc nhà thầu xây dựng khách sạn giai đoạn 2 là Cty TNHH Sichuan Huashi Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đưa Khách sạn JW Marriott vào hoạt động năm 2017 nhằm đáp ứng nhu cầu buồng phòng khách sạn 5 sao và khu hội nghị cho Hội nghị APEC 2017, dự kiến được tổ chức tại Đà Nẵng; đồng thời đáp ứng yêu cầu từ phía Tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế Marriott mà Cty ký kết ngày 15/5/2015.

Mặc dù đã nỗ lực hết mình nhưng do thời gian và tiến độ quá gấp, có nhiều hạng mục thi công phức tạp… nhà thầu xây dựng đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ về mặt thủ tục trong việc tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân có tay nghề cao là người nước ngoài, trên dưới 300 người từ Cty mẹ sang làm việc tại dự án…

Do vậy, Silver Shores đề nghị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tạo điều kiện cho Cty điều chuyển số lao động trên sang Đà Nẵng để hỗ trợ, sớm hoàn thành dự án trong năm 2017 như chủ đầu tư đã cam kết với lãnh đạo TP”.

Ngày 8/10/2015, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng có công văn với nội dung “Chủ tịch UBND TP giao Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất UBND TP hướng xử lý trên tinh thần tạo điều kiện để nhà thầu xây dựng, Cty TNHH Shichuan Huashi Việt Nam điều chuyển nội bộ số cán bộ kỹ thuật và công nhân tay nghề cao là người nước ngoài từ Cty mẹ sang Đà Nẵng hỗ trợ hoàn thành công trình Khách sạn JW Marriott. Sở LĐTB&XH phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp quản lý lao động và người nước ngoài trên địa bàn TP Đà Nẵng”.  

Đến ngày 15/10, ông Li Zhao Ming và ông Liu Qin, Phó Tổng Giám đốc Cty Shichuan Huashi Việt Nam ký chung văn bản gửi UBND TP và Sở LĐTB&XH Đà Nẵng trình bày khó khăn về chậm tiến độ và nguy cơ “chắc chắn sẽ không kịp đáp ứng nhu cầu sử dụng của Hội nghị APEC trong tháng 10/2017” nên đề nghị TP “tạo điều kiện thuận lợi” cho Cty được điều chuyển 300 cán bộ kỹ thuật từ Cty mẹ sang hỗ trợ hướng dẫn mẫu cho lao động bản địa.

Ngày 22/10/2015, Sở LĐTB&XH có Tờ trình gửi UBND TP “chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của Cty Shichuan Huashi Việt Nam” căn cứ theo Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ LĐTB&XH và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP về việc tạo điều kiện đối với nhà thầu. Ngày 29/10/2015, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng ký văn bản đồng ý cho phép Cty Shichuan Huashi Việt Nam chuyển nội bộ 300 lao động từ Cty mẹ ở Tứ Xuyên qua xây dựng Khách sạn JW Marriott.

Chỉ là chuyện nhỏ

Trao đổi lại với báo chí, ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐTB&XH Đà Nẵng) xác nhận, mục đích của dự án này nhằm phục vụ cho Hội nghị APEC 2017 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng và theo cam kết, đến khoảng tháng 9 - 10/2017 phải hoàn thành. Theo ông Ánh, 300 lao động này sẽ được chuyển đến trong thời gian từ tháng 10/2015 - 10/2017. 

“Tùy theo nhu cầu công việc mà họ sẽ điều chuyển người chứ không phải đưa ào vào một lúc hết 300 người. Đến hết tháng 10/2017, số lao động trên phải xuất cảnh về nước và tính đến thời điểm này, họ chưa đưa lao động nào qua”, ông Ánh nói. 

Hỏi đến vấn đề đưa lao động Trung Quốc vào khu vực nhạy cảm về an ninh - quốc phòng, ông Ánh cho biết: “Dự án này đã được TP chấp nhận, còn lao động “chỉ là chuyện nhỏ”. Sở LĐTB&XH chỉ quản lý về mặt lao động, chuyện nhạy cảm hay không nằm ở vấn đề của dự án. Dự án đặt ở đâu, đã được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát”. Ông Ánh nói thêm, quan điểm của Sở thấy nhu cầu của họ hợp lý nên đồng ý để tạo điều kiện cho họ hoàn thành tiến độ. 

Tuy nhiên, ngày 18/11, hỏi về việc Khách sạn JW Marriott có nằm trong danh sách phục vụ cho Hội nghị APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng hay không, ông Nguyễn Công Tiến, Phó Giám đốc kiêm Người phát ngôn Sở Ngoại vụ Đà Nẵng cho biết “chưa có quyết định cuối cùng về việc này” và tùy thuộc vào “Bộ Ngoại giao và các ngành trung ương sẽ kiểm tra”. 

Như vậy, theo ông Tiến, xuất phát ban đầu của việc cho phép 300 lao động Trung Quốc qua Đà Nẵng xây Khách sạn JW Marriott là việc Chủ tịch TP Đà Nẵng tiếp nhận đề xuất của Công ty Silver Shores và chỉ đạo Sở LĐTB&XH phối hợp với các ngành liên quan “xử lý trên tinh thần tạo điều kiện”. 

Cùng ngày, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhận định: Lãnh đạo TP đã “quá vội vàng” và “cần cân nhắc” trong quyết định đưa lao động Trung Quốc vào Đà Nẵng làm việc. 

Ông Xuân Anh dẫn chứng, Tập đoàn Sun Group xây ở Đà Nẵng những khu nghỉ dưỡng, khách sạn tầm cỡ quốc tế như Inter Continental, Novotel… nhưng ngoài các chuyên gia, tư vấn thiết kế, họ không hề dùng nhân viên kỹ thuật của nước ngoài; nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng 3.500 tỷ đồng đang xây cũng không phải do người nước ngoài thực hiện.

“Những việc như thế này phải xin ý kiến Thường trực Thành ủy. Hơn nữa, đang thời điểm hết sức nhạy cảm, không tránh dư luận lên tiếng phản ứng”, ông Xuân Anh nói. 

Thế  nhưng, theo ông Xuân Anh, hiện lãnh đạo TP đang đi công tác nước ngoài nên phải chờ trao đổi lại mới có câu trả lời chính xác, đồng thời tìm hiểu xem ai tham mưu, ai chỉ đạo để có hướng xử lý tiếp theo. 

Theo Báo Pháp Luật VN