Săn việc “mùa thực tập”

Khác với cái thời sinh viên năm cuối được rỉ tai đi thực tập là ngày ngày lên cơ quan, công ty nào đó, pha trà rót nước, ngồi đọc báo, ngó đồng hồ chán rồi về; sinh viên bây giờ xem thực tập thực sự là cơ hội rút ngắn khoảng cách giữa mình và các doanh nghiệp.

Mơ ước được ngồi phòng máy lạnh, mặc đồ công sở và làm các công việc liên quan đến ngành học đã lâu nhưng chưa có dịp nào được thử sức mình, vì đang là sinh viên, chẳng cơ quan nào dám nhận, Hương mừng lắm khi đến kì thực tập năm cuối. Được phân công về một công ty tài chính, Hương quyết tâm sẽ “chiến đấu” thật tốt.

 

Vừa làm việc, vừa học hỏi kinh nghiệm của các anh chị trong phòng, Hương tiếp thu và tích luỹ thêm vốn kiến thức còn thiếu của mình. Vì là công ty mới thành lập nên những đồng nghiệp của Hương cũng rất trẻ, tính tình hợp nhau, thế nên dù là sinh viên đi thực tập, Hương được mọi người tôn trọng và chỉ bảo tận tình.

 

Kết thúc đợt thực tập, Hương bất ngờ nhận được lời hứa hẹn của bác giám đốc, ra trường sẽ được nhận vào làm nếu Hương đồng ý. Đang lo chưa biết xin việc ở đâu, Hương đã thực sự có được cơ hội việc làm của mình. Giờ Hương mới thấy không bõ công vất vả đi sớm về muộn những ngày tháng thực tập.

 

Làm thêm cho một công ty máy tính đã lâu nhưng vì còn đi học nên Tuấn chỉ làm part-time. Nửa ngày lên lớp, nửa ngày lên công ty, Tuấn cũng nhanh chóng khẳng định được mình và lọt vào tầm ngắm của lãnh đạo. Đến kì thực tập, trong khi bạn bè, kẻ ngược người xuôi đi tìm chỗ tử tế gửi gắm, Tuấn ung dung vào công ty mình thực tập nhưng thực tế là làm việc full-time. Có nhiều thời gian hơn, Tuấn càng chứng tỏ năng lực chuyên môn của mình. Chưa kết thúc đợt thực tập, Tuấn đã yên vị với chức danh nhóm trưởng trong công ty.

 

Được đánh giá là năng động và thông minh, sinh viên những năm gần đây đang bỏ xa các thế hệ đi trước vì biết chớp thời cơ trở thành ứng viên mọi nơi mọi lúc có thể. Không ít sinh viên coi thực tập là cơ hội đáng quý để chứng tỏ bản thân với các nhà tuyển dụng. Đâu cần chờ tới lúc cầm được tấm bằng tốt nghiệp mới chạy đôn chạy đáo đi kiếm việc làm và rải thảm hồ sơ, sinh viên ngày nay nắm rõ ý đồ và chiến lược tuyển dụng nhân tài của các doanh nghiệp trong cuộc chiến giành giật “chất xám” nên kì thực tập trở thành một trong những con đường ngắn nhất đưa sinh viên đến gần hơn với các doanh nghiệp.

 

Trong vai trò là người đi học hỏi và nắm bắt kinh nghiệm, sinh viên đã biến mình thành các ứng viên tương lai trong mắt các nhà tuyển dụng. Và cũng không ít người ngay sau đợt thực tập đã trở thành “người” của chính doanh nghiệp mình thực tập.

 

Thời gian thực tập của sinh viên hiện nay ở các trường đại học và cao đẳng thường là ba tháng trước khi tốt nghiệp. Nhiều trường nhận thức rõ đây là thời điểm quyết định cho sinh viên nên đã có những động thái tích cực tác động trước với các doanh nghiệp nhằm giúp sinh viên có điều kiện để bộc lộ năng lực, phẩm chất và đặc biệt là chuyên môn nghiệp vụ ngành. Các doanh nghiệp hiện nay cũng coi kì thực tập của các sinh viên tại cơ sở của mình là dịp để cho sinh viên thử việc, tuy không phải là nhiều nhưng qua các kì thực tập, biết đâu doanh nghiệp lại có được một nhân tài như mong đợi.

 

Nói như vậy không có nghĩa là sinh viên nào hiện nay cũng coi trọng vấn đề thực tập. Nhiều người còn cho rằng thực tập cũng chỉ là “đi học” vì vẫn trong sự quản lý của trường đào tạo. Thậm chí có những sinh viên do tâm lý đến thực tập cũng chỉ được làm “chân sai vặt” nên không có sự chuẩn bị kĩ càng như tìm hiều trước công ty, doanh nghiệp nên khi đến thực tập, được giao những công việc chuyên môn như các nhân viên trong cơ quan, sinh viên không tránh được những bỡ ngỡ.

 

Ngược lại, cũng có những doanh nghiệp không mặn mà lắm với kì thực tập của sinh viên nên nếu không từ chối thì khi nhận sinh viên vào cũng có thái độ thờ ơ, chưa đúng mực dành cho sinh viên khiến họ nhanh chóng chán nản.

 

Đã đến lúc cả sinh viên, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần nhìn nhận đúng đắn và đầy đủ hơn về vấn đề thực tập của sinh viên Thực tập là khoảng thời gian cần thiết để sinh viên trang bị thêm kiến thức nghiệp vụ và kinh nghiệm làm việc thực tế của mình và cũng là cơ hội để doanh nghiệp tuyển dụng và có thể tuyển dụng thêm nhân tài nếu biết cách tạo điều kiện cho họ.

 

Theo Võ Hiền

Vieclam.vtv