1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chủ tịch Bạc Liêu:

"Sản phẩm OCOP đi vào thị trường, tình cảm mỗi người mới là quan trọng"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Sau khi được công nhận, sản phẩm OCOP đó có đi vào thị trường, vào tình cảm mỗi người, dùng được hay không mới là quan trọng; không phải công nhận rồi để đấy", theo Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu.

Ngày 29/11, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị kết nối cung, cầu sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) giữa tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành năm 2024.

Sản phẩm OCOP đi vào thị trường, tình cảm mỗi người mới là quan trọng - 1

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều (bìa trái) trao đổi với chủ thể sản phẩm OCOP bên lề hội nghị (Ảnh: H.H).

Theo Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, đến nay tỉnh có 145 sản phẩm OCOP (31 sản phẩm 4 sao, 114 sản phẩm 3 sao). Hai sản phẩm muối tinh và muối hạt đang hoàn thành thủ tục đề nghị Trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Một số sản phẩm OCOP của Bạc Liêu như tôm nguyên con đông lạnh, khô cá kèo, muối, bánh phồng tôm, tôm khô, chả cá,… đã có mặt trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, các ngành chức năng cũng nhìn nhận, sản phẩm hàng hóa của tỉnh đa dạng nhưng đôi lúc sản lượng, chất lượng chưa ổn định, còn phụ thuộc vào thời tiết, vụ mùa, khó đáp ứng những đơn hàng lớn, liên tục. Bên cạnh đó, mẫu mã sản phẩm, bao bì chưa bắt mắt khách hàng, câu chuyện sản phẩm còn sơ sài, chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa truyền thống để trở thành đặc trưng của địa phương nhằm thu hút tiêu thụ…

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng sau khi được công nhận, sản phẩm OCOP đó có đi vào thị trường, tình cảm mỗi người, dùng được hay không mới là quan trọng.

"Các doanh nghiệp, chủ thể cùng đồng hành với địa phương để làm việc này, chứ không phải công nhận xong rồi để đấy", ông Thiều lưu ý.

Theo ông, ngoài đảm bảo chất lượng, nguồn cung sản phẩm cũng phải dồi dào. Khi các thị trường yêu cầu mà địa phương không đủ nguồn cung, dẫn đến đứt chuỗi thì không mang lại hiệu quả.

"Sản phẩm đưa vào thị trường rồi thì nhu cầu rất lớn, trở thành hàng hóa, cần phải cung cấp liên tục. Như ở nước ngoài, kiều bào thích sản phẩm OCOP quê hương, đặc sản vùng miền mà không cung cấp kịp thời thì họ không thể nào chấp nhận sản phẩm của mình", ông Thiều nói.

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cũng nêu rõ, xu hướng thị trường hiện nay là những sản phẩm ít phát thải nhà kính, bảo đảm môi trường.

"Nếu ra nước ngoài, hàng hóa phát thải nhà kính nhiều là họ không mua, tẩy chay hết", ông Thiều nhấn mạnh và yêu cầu cần chú trọng những yếu tố "xanh, sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm".

Sản phẩm OCOP ở các vùng miền, địa phương được nhiều người ưa chuộng. Chúng ta cần khai thác tiềm năng làm sao để chủ thể được công nhận sản phẩm 2 sao đến 5 sao đứng trụ lên thị trường và thông qua đó bán được, sống được.

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu đề nghị các sở, ngành, địa phương, chủ thể cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, không đợi tới hội nghị mới làm; phải làm sao để đi tới đâu khách hàng cũng thấy sản phẩm OCOP của mình.

Sản phẩm OCOP đi vào thị trường, tình cảm mỗi người mới là quan trọng - 2

Tôm khô là một trong những sản phẩm được nhiều người ưa chuộng (Ảnh: H.H).

Nêu một số giải pháp phát triển sản phẩm OCOP, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, xu hướng hiện nay là sàn thương mại điện tử, mạng xã hội dần trở thành kênh bán hàng chính (online, livestream,…) nên các chủ thể có thể tận dụng để quảng bá, trao đổi, mua bán.

Nhiều đơn vị kiến nghị tỉnh tạo mối liên kết rộng hơn, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên kết được với người nông dân trong khâu cung cấp nguyên liệu sản xuất ổn định; kết nối các mạng lưới bán hàng như siêu thị, hệ thống bán lẻ…

Một số nhà phân phối cũng lưu ý các chủ thể về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; các thủ tục pháp lý rõ ràng; cải tiến mẫu mã, chất lượng; cần phát triển sản phẩm mang tính sáng tạo, gần gũi thiên nhiên, tốt sức khỏe và hữu cơ để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.