Sale bất động sản nghỉ việc sau khi bán được căn nhà 12 tỷ đồng

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Ngay sau khi bán được căn nhà trị giá 12 tỷ đồng, T. lập tức xin nghỉ việc vì nhận ra, càng bám sâu nghề môi giới bất động sản lúc này sẽ càng khó khăn.

Vỡ mộng ngành "hốt bạc"

Nhấp chuột gửi email xin việc lần thứ 50, nhân viên phòng marketing của công ty bất động sản - H.D. (24 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) thở dài khi nghĩ về cơ hội việc làm quá đỗi mong manh.

D. làm việc trong lĩnh vực bất động sản được hơn 1 năm. Những tưởng nghề "hốt bạc" sẽ cho D. công việc tốt, thu nhập cao, nhưng giờ đây mọi thứ quay về con số 0.

Sale bất động sản nghỉ việc sau khi bán được căn nhà 12 tỷ đồng - 1

Từng là nghề "hốt bạc" nhưng nay nhiều nhân viên môi giới bất động sản lao đao vì những biến động của ngành (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Theo H.D., từ tháng 10/2022, thị trường bất động sản bắt đầu lao dốc, một số công ty bất động sản vướng vào những vụ bê bối liên quan đến pháp luật nên thị trường dường như đóng băng, hàng loạt công ty phải cắt giảm nhân sự.  Trong đó, công ty nơi D. làm việc không ngoại lệ.

"Công ty đổ rất nhiều tiền vào các hoạt động quảng cáo các dự án mới nhưng vẫn không thu lại kết quả khả quan. Lúc đó, tôi cũng nghĩ, đã đến lúc nghỉ việc", D. nói.

Đến tháng 11/2022, công ty nơi D. làm việc sa thải 50% nhân viên. Các trưởng phòng chủ động cắt đi những nhân sự không có khả năng đảm nhiệm nhiều việc cùng lúc, hoặc để nhân sự tự nguyện nghỉ cho đến khi đạt "chỉ tiêu sa thải".

"May mắn, lúc đó tôi là một trong số những người được giữ lại. Vậy nên tôi dành hết 200% sức lực, cặm cụi làm việc với hy vọng công ty sẽ vượt qua được khó khăn. Vả lại, nếu rời đi ngay thời điểm cuối năm, sát Tết, tôi vừa thấy có lỗi, vừa tiếc vì đã cuối năm rồi, nghỉ việc thì mất tiền thưởng, công sức cả năm coi như bỏ", chị D. bộc bạch.

Khoảng 2 tuần sau, công ty đột ngột thông báo họp gấp trong buổi sáng. Tại cuộc họp, chị D. sững người khi hay tin đơn vị sẽ sa thải toàn bộ nhân viên, chỉ giữ lại Tổng Giám đốc, Giám đốc sàn, Giám đốc khối và một số trưởng phòng để... giải quyết những việc tồn đọng trước khi đóng cửa.

Sale bất động sản nghỉ việc sau khi bán được căn nhà 12 tỷ đồng - 2

Thị trường đóng băng, từng có nhiều nhà đầu cơ bất động sản ở TPHCM mang sổ đỏ ra đường bán như bán rau (Ảnh: NVH).

"Cả buổi sáng hôm đó, bầu không khí công ty rất nặng nề, không ngờ mọi chuyện lại chớp nhoáng như vậy. Trước đây, khối lượng công việc của tôi rất nhiều nhưng bản thân vẫn luôn hoàn thành tốt. Đây là công việc mà tôi đặt nhiều kỳ vọng nhất vì mức thu nhập cao, đãi ngộ tốt, cứ ngỡ sẽ gắn bó lâu dài nhưng đâu ngờ…", chị D. xúc động.

Bị sa thải, không tìm được việc khác ưng ý vì nhiệt huyết dành cho lĩnh vực này quá lớn, D. đành về quê. Đến hiện tại, cô gái 9X vẫn chưa can đảm để đi tìm công việc phù hợp sau cú sốc sa thải đó, dù đã có một số công ty mời gọi.

Anh H. (29 tuổi) làm việc trong lĩnh vực bất động sản từ năm 2017. Vào nghề không bao lâu, anh H. được lên chức quản lý, điều phối 5-6 nhân viên. Tuy nhiên, đến tháng 10/2022, công ty từ 30 nhân sự, cắt giảm chỉ còn 15 người. Từ một quản lý chỉ cần chỉ đạo công việc, anh H. phải "kham" luôn nhiệm vụ bán hàng và các đầu việc khác.

"Trước đây, mỗi khi công ty  ra dự án mới là có hàng chục người tham gia, giờ đây chỉ lác đác vài người khiến tôi hụt hẫng và lạc lõng lắm. Từ một quản lý, giờ đây tôi phải làm việc của nhân viên", anh H. thở dài, nói.

Dù đã chuẩn bị tâm thế từ trước, anh vẫn không khỏi bàng hoàng khi liên tục bị giảm 30% lương, cuối cùng là nhận quyết định sa thải. Mất 6 năm theo đuổi nghề "hốt bạc", nay anh đành gác lại để chuyển sang hoạt động tổ chức sự kiện, bắt đầu mọi thứ từ vạch xuất phát. Công việc ở lĩnh vực mới khá vất vả, đòi hỏi nhiều thời gian nhưng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho anh.

Thà nhảy việc, không thể ở lại… chịu trận

Vừa mới ra trường, anh T.T. đã có cơ hội làm việc tại một công ty bất động sản có tiếng ở TPHCM. Dù làm việc không bao lâu, anh T. đã thể hiện bản thân là một nhân sự có triển vọng khi chốt được nhiều hợp đồng có giá trị. Trong đó, có lần anh chốt được căn nhà trị giá 12 tỷ đồng.

Làm việc với mức lương cứng là 5,4 triệu đồng, ngoài ra hầu hết chờ các khoản phúc lợi khác như tiền hoa hồng, thưởng dự án… giúp T. có được thu nhập cao gấp nhiều lần bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản rơi vào thế khó khăn, T. sớm nhận ra và chủ động nghỉ việc.

Sale bất động sản nghỉ việc sau khi bán được căn nhà 12 tỷ đồng - 3

Nhiều nhân viên môi giới bất động sản lẳng lặng "nhảy việc" khi nhận ra thị trường đang gặp khó khăn (Ảnh minh họa: Hà Phong).

"Tôi chọn công việc này với kỳ vọng sẽ có mức thu nhập cao, gặp gỡ những người giàu có để học hỏi cách thức kinh doanh của họ. Tôi khá kỳ vọng về lĩnh vực này nhưng khi nghề rơi vào tình thế khó khăn, tôi phải chấp nhận rời đi để tránh rủi ro. Bản thân tôi cũng phải có mức lương ổn định, trang trải cuộc sống chứ ở lại chờ bất động sản phục hồi thì khá rủi ro", anh T. nói.

Từ bỏ lĩnh vực bất động sản, T. trở thành nhân viên môi giới chứng khoán. Dù thời gian đầu khá khó khăn để tập làm quen với kiến thức, môi trường mới, T. vẫn cho đây là quyết định đúng đắn. Bởi, công việc trong lĩnh vực chứng khoán cho T. mức thu nhập đảm bảo hơn.

Cùng suy nghĩ đó, chị H.D. cho rằng, một người trẻ đang tràn đầy nhiệt huyết cống hiến cho công ty, không thể cứ ngồi chờ mãi được. Dù còn ám ảnh nỗi sợ "bị sa thải", thất vọng về công việc bản thân quá yêu thích, chị D. vẫn sẽ cố tìm một công việc khác lĩnh vực để tạm trang trải cuộc sống.

"Thời điểm bị sa thải, hợp đồng lao động vẫn chưa kết thúc nên đáng lẽ công ty phải bồi thường hợp đồng. Nhưng vì công ty đang khó khăn, mong chúng tôi tự làm đơn xin nghỉ việc để giảm mức phí bồi thường. Bản thân tôi cũng trân trọng công ty vì trước đây họ đối xử với tôi rất tốt", chị D. tâm sự.

Chị D. chia sẻ đã làm việc khi thời kỳ hoàng kim của nghề, thị trường bất động sản đang đạt "đỉnh" nhưng lại đột ngột xuống dốc lúc bản thân đang cống hiến hết mình. Đó là điều khiến chị hụt hẫng nhất. Sắp tới, có lẽ chị sẽ hoàn toàn chuyển sang lĩnh vực khác, không nghĩ đến ngày quay lại.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), do thị trường đang rất khó khăn, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí, có tập đoàn giảm đến trên dưới 50% lực lượng lao động.

Điều này tác động đến vấn đề an sinh xã hội, đời sống của nhiều hộ gia đình, nhiều người lao động, công nhân xây lắp, nhân viên môi giới, đặc biệt là dịp Tết Quý Mão 2023 vừa qua.

Hiệp hội đề nghị thống nhất quan điểm là không giải cứu thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản mà chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết.

Qua đó, doanh nghiệp bất động sản chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu, giảm giá nhà tương đối và thực chất; xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu để tăng tổng cầu và sức mua trên thị trường giúp cho doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn; hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.