1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sắc lệnh hạn chế nhập cư sẽ cản trở sự hồi phục kinh tế Mỹ?

Sắc lệnh gây tranh cãi này là động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong kế hoạch siết lại vấn đề lao động nhập cư vào Mỹ.

Sắc lệnh hạn chế nhập cư sẽ cản trở sự hồi phục kinh tế Mỹ?

Theo lý giải của Tổng thống Trump, kế hoạch gián tiếp giúp người Mỹ tiếp cận cơ hội việc làm và giúp nền kinh tế khôi phục từ cú sốc đại dịch COVID-19.

Trong số các loại thị thực Mỹ chịu ảnh hưởng bởi quyết định, có loại H-1B, bao gồm người lao động tay nghề cao, thường là làm việc trong lĩnh vực công nghệ, thị thực loại L, dành cho nhân viên công ty quốc tế, được tạm thời luân chuyển đến chi nhánh tại Mỹ và thị thực loại H-2B, dành cho người lao động ngắn hạn hoặc thời vụ trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Động thái này được chính quyền Mỹ cho rằng, sẽ tạo thêm hơn 500 nghìn cơ hội việc làm cho người dân nước này. Tuy nhiên, nhiều tổ chức doanh nghiệp và phòng thương mại Mỹ nhanh chóng có phản ứng mạnh. Theo các đơn vị này, việc ngừng cấp thị thực sẽ cản trở sự hồi phục của nền kinh tế vốn đang chịu không ít thiệt hại do dịch COVID-19.

Sắc lệnh hạn chế nhập cư sẽ cản trở sự hồi phục kinh tế Mỹ? - 1

Nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh này.

 

Bất ngờ và quyết liệt

Sắc lệnh mới của Tổng thống Trump được đánh giá là bất ngờ và quyết liệt. Đặc biệt khi thời hạn thực thi bắt đầu có hiệu lực chỉ 2 ngày sau khi công bố và đối tượng hướng đến trực tiếp của sắc lệnh này gồm cả người trong diện thị thực H-1B. Đây là diện thị thực mà lao động có tay nghề cao là người nước ngoài đang được cấp để làm việc tại Mỹ.

Ngay lập tức, Liên minh phần mềm doanh nghiệp của Mỹ BSA cảnh báo, động thái này không những không thúc đẩy khôi phục kinh tế nước Mỹ sau đại dịch mà thậm chí sẽ tác động tiêu cực và làm giảm cơ hội việc làm của người Mỹ. Nhiều đại gia công nghệ như Amazon, Facebook, Google chỉ ra rằng, việc thu hút và chào đón những nhân tài hàng đầu thế giới đến Mỹ lúc này càng trở nên quan trọng, đóng góp vào vực dậy nền kinh tế.

Sắc lệnh hạn chế nhập cư sẽ cản trở sự hồi phục kinh tế Mỹ? - 2
 

Những gia đình phải nhận tác động tức thì từ sắc lệnh này

Trước mắt, tác động tức thì của sắc lệnh mới chưa hẳn là nhiều, khi lãnh sự quán Mỹ khắp thế giới hiện không xử lý các thủ tục cấp thị thực thường lệ, do tác động của dịch COVID-19. Nhưng cũng có những câu chuyện không may mắn, những gia đình phải nhận tác động tức thì từ sắc lệnh tranh cãi này.

Poorva Dixit là một kỹ sư phát triển phần mềm, đã làm việc tại Mỹ hơn 10 năm. Đầu tháng 3, vì lý do gia đình, chị phải quay trở lại quê nhà Ấn Độ. Poorva chỉ có thị thực tạm thời để làm việc tại Mỹ, muốn sang lại California với chồng mình và hai con, thủ tục là chị phải tới Lãnh sự quán Mỹ tại Mumbai để xin dấu thị thực vào hộ chiếu.

Không may, trước lịch hẹn chỉ 1 ngày, lãnh sự quán đóng cửa do dịch. Còn bây giờ, sắc lệnh mới của Tổng thống Trump có thể khiến Poorva bị kẹt lại Ấn Độ ít nhất là đến cuối năm nay.

Sắc lệnh hạn chế nhập cư sẽ cản trở sự hồi phục kinh tế Mỹ? - 3

Gia đình chị Poorva Dixit.

 

"Tôi không biết tiếp theo mình nên làm gì. Tôi đã không gặp bọn trẻ trong gần 4 tháng. Tôi thậm chí phải gặp bác sỹ tâm lý để xin tư vấn về việc nên làm thế nào với bọn trẻ, vì bọn trẻ đã bắt đầu có những dấu hiệu không ổn về cảm xúc", chị Poorva Dixit nói.

Cả Poorva và chồng chị đều là người quốc tịch Ấn Độ nhưng các con họ lại có quốc tịch Mỹ. Sắc lệnh không áp dụng với người là chồng, vợ hoặc con của công dân Mỹ nhưng lại vẫn có hiệu lực với những người như vợ chồng chị Poorva, cha mẹ của những đứa con mang quốc tịch Mỹ.

Anh Kaustubh Talathi - chồng chị Poorva lo ngại: "Điều tôi quan tâm nhất bây giờ là đoàn tụ gia đình, bọn trẻ được gặp lại mẹ. Giờ tôi cũng không còn quá quan trọng việc ở lại Mỹ nữa. Tôi đang nghĩ đến việc đưa các con về Ấn Độ, ít nhất ở đó cả nhà được ở bên nhau".

Theo một chuyên gia thuộc Viện Chính sách di trú Mỹ, sắc lệnh mới của Chính phủ Mỹ có thể cản trở 219 nghìn lao động nước ngoài đến Mỹ từ giờ đến cuối năm.

Theo VTV.vn