Rút ngắn thời gian đào tạo đại học: Liệu có khả thi?
Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ có thời gian đào tạo đại học (ĐH) 3 - 4 năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, rất khó thực hiện trong điều kiện hiện nay.
3 năm khó “chạy” hết chương trình
Rút ngắn thời gian đào tạo ĐH xuống 3 năm sẽ giúp sinh viên ra trường đi làm sớm. Thế nhưng, PGS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phản đối: “Phương án của Bộ GD&ĐT chưa phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.
Đáng lẽ, trước khi trình Thủ tướng phê duyệt, Bộ GD&ĐT nên tổ chức hội thảo để các giáo viên dạy mẫu giáo cho đến giảng viên dạy ĐH và các chuyên gia giáo dục thảo luận điểm mạnh - yếu của giáo dục nước nhà; mô hình trường nào phù hợp thời gian 3 - 4 năm? Hiện nay, thời gian đào tạo cao đẳng 3 năm còn ì ạch, vậy ĐH 3 năm càng khó hoàn thành chương trình”.
Giờ thực hành của học sinh lớp điện lạnh Trung tâm dạy nghề Hoàn Kiếm. Ảnh: Nguyễn Trung
Hiện nay trên thế giới có 2 luồng giáo dục phổ biến. Các nước trong khối APEC, Mỹ có nền giáo dục phổ thông 12 năm và 4 năm cử nhân. Hệ thống giáo dục phổ thông của Anh là 11 năm, ai muốn vào ĐH phải học thêm 2 năm bậc cao và sau đó 3 năm ĐH. Từ đó, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng, ĐH 3 năm sẽ không có chất lượng.
Nếu muốn thực hiện 3 năm, nhà trường phải bỏ qua những môn học Việt Nam như Lý luận Mác Lê nin, Giáo dục quốc phòng…, liệu có được chấp nhận? Một số lãnh đạo trường ĐH cũng nhận thấy trong thời gian 3 năm, khó có thể dạy hết được khung chương trình ĐH như hiện nay. Rồi các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp, phòng thí nghiệm, thư viện đang rất thiếu. Vì thế, quan điểm của ông Đào Tuấn Đạt – phụ trách trường THPT Anh-x-tanh, 3 – 4 năm chỉ có tính chất chung chung; quan trọng là bằng cấp được các nước công nhận và sinh viên đáp ứng được yêu cầu công việc. Nếu đào tạo ĐH khối ngành kỹ thuật giảm từ 5 năm xuống còn 4 năm, các chương trình đại cương phải đẩy xuống bậc THPT.
Giải quyết từ bậc phổ thông
Cũng có ý kiến cho rằng, để ĐH 3 hay 4 năm không chỉ giải quyết vấn đề ở bậc học này mà kết hợp cả bậc phổ thông, nghĩa là phải giải quyết một cách tổng thể. Ở bậc phổ thông, những nội dung nào đã được học thì lên ĐH không dạy lại. Ở nước ngoài, môn Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng, Thể dục được đưa vào câu lạc bộ sinh hoạt ngoại khóa để dành thời gian học các nội dung khác, cũng là việc chúng ta nên nghĩ đến.
GS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng cho biết, lịch nghỉ học của ta cũng khác nhiều nước. Noel đến là lúc sinh viên kết thúc năm học, nghỉ đón chào năm mới, để thời gian thực học dài hơn. Thứ nữa, người ta có thể học cả ngày, để rút ngắn số năm, còn chúng ta chỉ buổi sáng hoặc chiều. “Tôi không thể nói 3 hay 4 năm. Trước hết, chúng ta cần xác định chương trình đang đào tạo so với các nước phương Tây thế nào? Để đầu ra đáp ứng yêu cầu, chúng ta phải đào tạo kiến thức chuyên môn, kỹ thuật đảm bảo như các nước” - GS Hùng đề xuất.
Giải thích về thời gian học ĐH chỉ còn 3 năm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết đây là cách tiệm cận dần khung thời gian đào tạo được nhiều nước áp dụng. Hiện nay, tiến trình Bologna về cải cách giáo dục ĐH châu Âu đang được các nước trong cộng đồng khu vực này thực hiện. Cụ thể, thời gian đào tạo bậc ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ lần lượt là 3 năm, 5 năm, 8 năm, tính từ khi học sinh tốt nghiệp THPT. Từ đây cho thấy, thời gian đào tạo ĐH của chúng ta 4 - 6 năm là quá dài so với khung chung các nước.
Theo ông Bùi Văn Ga, rút ngắn khung thời gian đào tạo ĐH không đồng nghĩa cắt bớt chương trình và chất lượng đào tạo giảm. Ngược lại, khối lượng kiến thức và kỹ năng của các chương trình cần được bổ sung để đáp ứng yêu cầu khung trình độ quốc gia.
Phương pháp đào tạo của người thầy và cách học của sinh viên cũng phải thay đổi. Hiện nay, nhiều sinh viên trong 3 năm học đã đủ số tín chỉ để tốt nghiệp, điều này khẳng định, việc rút ngắn thời gian học trên giảng đường xuống còn 3 năm là có cơ sở và khả thi.
Theo Báo Kinh tế đô thị