1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giảm quy mô đào tạo đại học: Vẫn còn nhiều tranh luận

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH). Theo Thông tư, quy mô đào tạo sinh viên ĐH lớn nhất, sau năm 2020 là 15 nghìn sinh viên. Về vấn đề này, đến nay vẫn có nhiều ý kiến tranh luận. Có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT cần tham khảo thêm ý kiến tư vấn của các nhà trường, cũng như chuyên gia, hội đồng tư vấn giáo dục.


Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Không lo ngại về giảng viên

Khi Thông tư 32 được ban hành, lãnh đạo nhiều nhà trường nhận định: Nếu Bộ GD&ĐT khống chế chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sẽ dẫn đến tình trạng thừa giảng viên ở một số trường. Tuy nhiên, một số chuyên gia giáo dục lại cho rằng, đây không phải là vấn đề lo ngại.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Việc này không đáng lo ngại, có thể đối với những giảng viên bị ảnh hưởng sẽ chuyển sang làm những công việc khác như hoạt động nghiên cứu, hoặc có thể cắt giảm số lượng sinh viên/giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo. Điều đó có thể là tốt lên.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng cho rằng sẽ không có chuyện thừa giảng viên. Vấn đề trước hết, các trường phải xem lại giảng viên của mình có đúng là giảng viên dạy được không. Cứ lấy hết sinh viên tốt nghiệp vào gọi là giảng viên thì chắc chắn là thừa, nhưng chất lượng giảng viên cần xem lại. Nếu các trường đưa ra một tiêu chuẩn, ví dụ đã là giảng viên ĐH dứt khoát phải sử dụng ngoại ngữ một cách thành thạo, thì tự khắc sẽ thấy có đủ giảng viên theo tiêu chuẩn hay không…

Có hay không chuyện “cào bằng”?

Các chuyên gia giáo dục đồng tình cao nhất trong Thông tư 32, đó là việc tạo điều kiện cho các trường tốp dưới, CĐ tuyển sinh được sinh viên. Đồng thời, trong nhiều năm qua, các trường ĐH, CĐ, trung cấp nghề có xu hướng tăng quy mô tuyển sinh nhằm tạo nguồn thu cho nhà trường. Nhưng khi việc tuyển sinh vượt ngưỡng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường và làm rối loạn nguồn nhân lực, Bộ GD&ĐT cần có quy định để giải quyết tình trạng tuyển sinh vượt ngưỡng của các trường hiện nay - đó là điều hợp lý.

Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia khẳng định: Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT là cứng nhắc, “cào bằng” giữa các trường. Bộ GD&ĐT quy định quy mô đào tạo của các trường ĐH không được quá 15 nghìn sinh viên chính quy là không thực tế. Vì đối với những trường ĐH đào tạo đa ngành mà chỉ giới hạn 15 nghìn sinh viên vẫn là ít nhưng đối với những trường đơn ngành như ĐH Y, ĐH Dược… việc đào tạo 15 nghìn sinh viên là nhiều.

Ngoài ra cũng có những ý kiến tranh luận về tiêu chuẩn 25 sinh viên/giảng viên. Có chuyên gia cho rằng, số mét vuông/sinh viên mà Bộ quy định chỉ là lý thuyết. Bộ đã không căn cứ vào tình hình thực tế để đặt ra tiêu chuẩn.

Đối với giảng viên là PGS, TS có thể giảng dạy số lượng sinh viên lớn hơn và vẫn có thể đảm bảo chất lượng. Còn đối với những giảng viên chưa có kinh nghiệm, việc dạy 25 sinh viên chưa chắc đã đảm bảo chất lượng. Tiêu chí cơ sở vật chất yêu cầu diện tích sàn xây dựng trực tiếp không thấp hơn 2,5m2/sinh viên cũng chưa thực tế. Bởi sẽ có những trường chỉ học một ca/ngày nhưng có những trường ngày học 3 ca/ngày. Như vậy việc sử dụng diện tích sàn của các trường khác nhau. Ngoài ra, mỗi trường có chất lượng đào tạo khác nhau nên không thể cũng áp dụng một quy chuẩn chung cho các trường.

Về điều này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ có ý kiến không đồng tình. Ông cho rằng: Không thể có chuyện “cào bằng”, bởi vì đó là quy định tối đa. Và Bộ cũng còn có những quy định về cơ sở vật chất liên quan. Tôi quy định anh phải đạt đủ quy mô mới được đào tạo tới 15 nghìn sinh viên, nhưng anh không đạt đủ thì chỉ được giới hạn thôi, chứ không phải “cào bằng”.

Để khống chế tốt lượng tuyển sinh

Bỏ qua những tranh luận, PGS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ sự tán thành với Thông tư 32. “Một trường ĐH hiện nay, đối với nước ta và trình độ quản lý của nước ta, thì quy mô 15 nghìn sinh viên tôi cho là hợp lý.

“Một phần giúp cho các trường năm vừa rồi không tuyển sinh được. Việc giảm tiêu chí tuyển sinh, cũng cần phải tính toán phân bổ lại, ĐH là bao nhiêu, CĐ bao nhiêu. Cái này cũng sẽ khắc phục được tâm lý chung rằng tất cả đều phải vào ĐH, cái đó là không đúng. Cho nên bây giờ giao chỉ tiêu các trường ĐH với số lượng bao nhiêu, số còn lại tức khắc sẽ vào học các trường CĐ. Thông tư 32 này có những cái tốt chứ không phải là không tốt. Còn điểm nào chưa được tốt thì từng bước sẽ khắc phục dần dần…”.

Còn về Thông tư 32 có quy định: Việc giao nhiệm vụ đào tạo để nâng chuẩn giáo viên, nâng cao trình độ cán bộ y tế, đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, nông lâm thủy sản và một số trường hợp đặc biệt khác sẽ do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét quyết định. Đối với quy định này, nhiều chuyên gia cho rằng, chắc chắn sẽ xuất hiện cơ chế xin - cho. PGS Trần Xuân Nhĩ cũng khẳng định: Nếu vẫn còn “lảng vảng” cơ chế xin – cho thì không được. Đã có tiêu chí quy định tất cả rồi, thì phải cho các trường làm.

Để có thể khống chế được lượng tuyển sinh của các trường, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu ra, nhiều chuyên gia cũng đưa ra góp ý. TS Lê Viết Khuyến khuyên rằng: Hàng năm, các trường phải điều tra lượng sinh viên có việc làm đối với từng ngành. Khi tỷ lệ sinh viên của ngành đó ra trường không có việc làm tới một ngưỡng nhất định, những năm tiếp theo nhà trường cần giảm chỉ tiêu tuyển sinh xuống.

Trong 3 năm, tỷ lệ sinh viên ngành đó ra trường không có việc làm đạt ở mức cao thì trường phải dừng tuyển sinh. Bên cạnh đó, các trường cũng cần phải công khai minh bạch số lượng sinh viên ở những ngành đào tạo có việc làm cho toàn xã hội.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng cần phải kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của các trường và công khai cho toàn xã hội biết. Bộ GD&ĐT cũng cần có chế tài khống chế chỉ tiêu tuyển sinh các trường dựa trên việc kiểm định chất lượng và điều tra tỷ lệ sinh viên có việc làm của các trường. Để việc kiểm định chất lượng được công khai minh bạch, Bộ GD&ĐT cần giao cho một cơ quan kiểm định chất lượng độc lập thực hiện.

Theo Báo Đại đoàn kết