1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bến Tre:

Ruộng sát biển, nông dân trắng đêm chong đèn phòng nước cuốn hoa màu

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Dù đã đắp đê bao cao hơn 3m nhưng những nông dân trên cồn Nhàn (huyện Ba Tri, Bến Tre) vẫn nơm nớp lo sợ nước biển theo triều cường tràn vào ruộng. Mùa gió chướng, mọi người thay nhau ra chong đèn cả đêm phòng đê vỡ.

Cồn Nhàn thuộc xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri, Bến Tre) nằm trải dài theo bờ biển. Trên cồn có 68 hộ dân sinh sống, chủ yếu làm nghề canh tác rau màu như củ cải, dưa hấu.

Xem cảnh nông dân phòng chống triều cường cuốn trôi hoa màu ở Bến Tre (Video: Nguyễn Cường).

Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, triều cường dâng cao khiến bờ biển xói lở nghiêm trọng. Người dân trên cồn Nhàn cho biết, đều đặn vào mùa gió chướng từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, có những con sóng cao trên 3m đánh vào bờ đe dọa cuốn trôi đất đai, hủy hoại hoa màu.

Dù chỉ làm nông, thu nhập không cao nhưng hàng năm mỗi hộ dân trên cồn Nhàn phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để cùng nhau đắp đê giữ đất. Khoản tiền đắp đê có khi chiếm quá nửa, đến gần hết hoa lợi thu được từ mảnh ruộng.

Ruộng sát biển, nông dân trắng đêm chong đèn phòng nước cuốn hoa màu - 1

Con đê cát "yếu đuối" là hy vọng bảo vệ đám ruộng của những nông dân trên cồn Nhàn (Ảnh: Nguyễn Cường).

Gia đình chị Trần Thị Hòa (45 tuổi) có 2.000m2 trồng củ cải. Chị bảo dù mỗi năm lãi chưa đến 100 triệu đồng nhưng vợ chồng chi đến 70 triệu cho việc đắp đê, khiến cuộc sống ngày càng khốn khó.

Hàng ngày, công việc của những người trên cồn Nhàn nếu không trồng rau, sẽ xúc cát đắp đê. Đứng trên bờ biển làm việc, chị Hòa phải bịt kín mít từ đầu đến chân, ngăn những trận gió cuốn theo cát đánh "bôm bốp" vào người.

Ruộng sát biển, nông dân trắng đêm chong đèn phòng nước cuốn hoa màu - 2

Chị Hòa đang gia cố con đê (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Đê cao đến 3m nhưng có khi sóng vẫn tràn qua làm chết cả ruộng thành ra mất trắng. Tốn kém nhưng nếu không đắp đê thì đất sẽ bị cuốn sạch.

Từ tháng này cho đến tháng 3 năm sau, những ngày triều cường là cả ấp phải chong đèn ngồi trên đê, chỗ nào tràn mọi người hò nhau đến khắc phục ngay, không kịp thì mất cả", chị Hòa chia sẻ.

Ruộng sát biển, nông dân trắng đêm chong đèn phòng nước cuốn hoa màu - 3

Tiền của dồn hết cho việc đắp đê khiến người dân trên cồn Nhàn không thể giàu nổi (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ông Trần Văn Hiếu (58 tuổi, ngụ ở cồn Nhàn), cho biết trước đây gia đình có 2ha ruộng dưa hấu nhưng đã bị sóng cuốn mất một nửa. Năm nay ông Hiếu đã chi hơn 100 triệu đồng làm đê hy vọng sẽ bảo vệ được đám ruộng còn lại.

"Ngày xưa biển ở ngoài xa, khuất tầm mắt nhưng giờ sóng đánh đến đây rồi. Người dân chỉ mong Nhà nước sớm đắp đê, nếu không có khi đất trôi hết thì phải bỏ xứ đi nơi khác", ông Hiếu nói.

Ruộng sát biển, nông dân trắng đêm chong đèn phòng nước cuốn hoa màu - 4

Đám ruộng củ cải tan hoang sau khi bị nước biển tràn qua (Ảnh: Nguyễn Cường).

Lãnh đạo UBND xã Bảo Thuận cho biết, tình hình sạt lở bờ biển ở cồn Nhàn đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, trung bình mỗi năm biển lấn vào bờ hơn 100m. Gần một nửa số hộ dân trên cồn bị thiệt hại do nước biển dâng.

Hiện Nhà nước đã đầu tư xây dựng hơn 1km bờ kè ở đoạn sạt lở nghiêm trọng nhất. Những đoạn còn lại chính quyền đang vận động người dân tự đắp đê trong khi chờ được đầu tư.