1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Rộn ràng mùa cào hến trên cao nguyên Gia Lai

Nay Sắt

(Dân trí) - Cứ vào dịp tháng 5, người dân ở Phú Thiện (Gia Lai) lại rủ nhau đi cào hến ở các ruộng, kênh thủy lợi. Dù chỉ là mưu sinh tạm thời nhưng công việc mang lại một khoản thu nhập khá cao cho bà con.

Những ngày hè trung tuần tháng 5, chúng tôi có dịp xuống xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, Gia Lai). Mùa này, hàng ngày, người bản địa Jrai ngâm mình trong kênh thủy lợi để cào hến, ốc mưu sinh.

Chỉ một đoạn kênh ngắn không đầy 50m làng Thanh Thượng ở xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, Gia Lai) mà đã có đến hàng chục người đang cào hến. Người già, người trẻ cặm cụi mưu sinh để mong có thêm thu nhập.

Rộn ràng mùa cào hến trên cao nguyên Gia Lai - 1

Nhiều người dân xã Ayun Hạ (Phú Thiện, Gia Lai) rủ nhau xuống mương cạn để cào hến.

Chị Siu H'Hiên (27 tuổi) đã có hàng chục năm kinh nghiệm với nghề cào hến. Chị H'Hiên cho biết, mương mùa này cạn, nước thường trong vắt nên dễ bắt hến. Ở nơi đây, hến được nhiều người ưa chuộng vì vị ngon, ngọt mà không tanh mùi bùn. Thời điểm này là lúc nông nhàn, mọi người thường tập trung cào hến ở đây rất đông.

Rộn ràng mùa cào hến trên cao nguyên Gia Lai - 2

Mương mùa này cạn đi nhiều, nước trong vắt, thời điểm "vàng" để cào hến.

Theo chị H'Hiên, công việc cào hến bắt đầu từ 6h-18h hàng ngày, vì thế chị phải ngâm trong nước hàng chục giờ đồng hồ liền. Mỗi ngày, các chị em trong xóm cào được hơn 2 bao hến, khoảng 80-90kg. Đầu mùa giá hến cao, dao động 10.000-12.000 đồng/kg. Hiện giá chỉ còn khoảng 5.000-7.000 đồng/kg, cả hội thu nhập khoảng 500.000 đồng.

Mùa hến trên vùng Cao Nguyên

Chị Hiên cũng cho biết, dụng cụ cào hến có 3 thứ gồm, rổ nhựa, bàn cào và chiếc gùi. Bàn cào được thiết kế là một thanh sắt dài cỡ 5 tấc, có nhiều que nhọn như cái lược chải đầu. Nếu không chuyên thì sử dụng rổ, nia để cào, còn hành nghề chuyên nghiệp thì mua một đoạn sắt phi 14 uốn lại thành hình chữ nhật (lớn, nhỏ tùy ý người sử dụng) làm miệng.

Rộn ràng mùa cào hến trên cao nguyên Gia Lai - 3

Người dân ở đây rủ nhau từng tốp 3-4 người cào, mỗi ngày có thể bắt hơn 80 kg, thu nhập hơn 500.000 đồng.

"Muốn bắt được hến phải miết mạnh cào xuống, kéo giật lùi khoảng 3m rồi nhấc lên, xóc cho rời hết cát và đá nhỏ. Sau đó, đổ ra rổ đãi, chọn lấy hến bỏ vào gùi. Công việc cứ thế không lúc nào ngơi tay", chị Hiên chia sẻ.

Cũng công việc đó, bà Trần Thị Linh (62 tuổi, trú làng Ring, xã Ayun Hạ, Phú Thiện, Gia Lai) với tấm thân nhỏ nhắn đang kéo lê bàn cào để bới hến. Bà Linh tuổi đã cao còn phải lặn ngụp cả ngày trời cào hến để mưu sinh.

Rộn ràng mùa cào hến trên cao nguyên Gia Lai - 4

Để mưu sinh, nhiều người bất chấp nước lạnh, ngâm mình gần chục giờ đồng hồ liền.

Tuy công việc nhọc nhằn nhưng bà Linh vẫn cố bám vì mùa này nông nhàn. Lúa mới thu hoạch nên ngày nào bà cũng xuống mương bắt hến. Mỗi ngày, bà có thể cào được 30kg mỗi ngày, nhưng có hôm chỉ 5-6kg. Với số lượng đó, bà cũng kiếm được 100.000-200.000 đồng/ngày.

"Do nhiều người cào nên hến ngày càng ít, phải đi xa mới có. Nhiều hôm tôi đi bộ mất cả giờ đồng hồ mới tới địa điểm cào nhưng kéo lên chỉ toàn đá chứ hến chẳng bao nhiêu", bà Linh cho biết.

Rộn ràng mùa cào hến trên cao nguyên Gia Lai - 5

Kênh mương sâu, người bắt hến phải xuống dưới đáy mương cao hơn 6m, khi bắt xong di chuyển hến lên rất khó.

Cũng theo bà Linh, bắt hến là việc tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra rất vất vả vì đòi hỏi người cào phải có sức khỏe dẻo dai. Đồng thời, người đi cào phải vừa chịu được cái lạnh khi phải ngâm mình dưới nước cả ngày, vừa hứng cơn nắng hè rát lưng và rát mặt.

Cào hến nhọc nhằn là thế nhưng đây là nghề kiếm sống không cần bỏ vốn, chỉ cần bỏ công đãi rồi đem về làng sẽ có người tới thu mua. Chính vì vậy, bao nhiều năm qua người dân nơi đây vẫn gắn bó.