1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đắk Lắk:

Rời TPHCM, cô gái quê nghèo thành công với củ nghệ bán ở trời Tây

Thúy Diễm

(Dân trí) - Từ bỏ công việc với mức lương ổn định tại TPHCM, cô gái Lê Thị Thư quyết định về Đắk Lắk lập nghiệp, sản xuất các sản phẩm từ củ nghệ của quê hương xuất khẩu sang Châu Âu.

Bỏ phố về quê lập nghiệp

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông tại huyện nghèo M'Đrắk (Đắk Lắk), cô gái Lê Thị Thư (30 tuổi) từ tấm bé đã quá quen thuộc với những công việc đồng áng, chăm sóc vườn cà phê, cây nông nghiệp ngắn ngày.

Rời TPHCM, cô gái quê nghèo thành công với củ nghệ bán ở trời Tây - 1

Cô gái Lê Thị Thư bỏ phố về quê khởi nghiệp từ củ nghệ (Ảnh: NVCC).

Thi đỗ đại học, chị Thư đến TPHCM, theo học trường ĐH Sài Gòn. Tốt nghiệp, chị trụ lại thành phố với công việc kế toán tại một ngân hàng lớn với mức thu nhập ổn định. Thời điểm này, chị vừa làm việc vừa kinh doanh thêm sản phẩm từ tinh bột nghệ do bố mẹ trồng ở quê.

Nhận thấy cùng một lúc làm cả hai công việc sẽ khó phát triển năng lực bản thân,  trong thâm tâm, Thư luôn mong muốn về quê hương lập nghiệp.

Với chị Thư, đó quãng thời gian băn khoăn, suy nghĩ nhiều trước quyết định lựa chọn cho tương lai mình. Cuối cùng chị vẫn chọn xin thôi việc, bỏ phố về quê hương M'Đrắk khởi nghiệp từ nghề nông.

Rời TPHCM, cô gái quê nghèo thành công với củ nghệ bán ở trời Tây - 2

Rời bỏ công việc ổn định, chị Thư mạnh dạn phát triển các sản phẩm từ củ nghệ (Ảnh: NVCC).

Tại quê nhà, Thư xót xa trước tình cảnh bà con nông dân thu hoạch nghệ gặp lúc giá rớt thảm hại, chỉ được 2.000 - 3.000 đồng/kg. Với mức giá này, bà con lỗ nặng và cũng không dám thuê nhân công để thu hoạch nghệ. Do đó, nghệ bị bỏ mặc giữa đồng cho khô héo rất lãng phí. Chị Thư loay hoay tìm đầu ra, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài việc sản xuất tinh bột nghệ và nghệ mật ong, chị Thư nhận thấy tiềm năng trong củ nghệ chưa được khám phá hết.

Chị Thư quyết định bỏ vốn đầu tư thử nghiệm, sản xuất dòng mỹ phẩm từ nghệ. Nhận thấy bản thân còn thiếu kinh nghiệm, chị quyết định tham gia vào các hội, câu lạc bộ khởi nghiệp để học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, Thư mạnh dạn đăng ký dự thi cuộc thi khởi nghiệp năm 2020 của tỉnh Đắk Lắk và đạt giải nhất tại cuộc thi này.

Rời TPHCM, cô gái quê nghèo thành công với củ nghệ bán ở trời Tây - 3

Các sản phẩm từ nghệ được chị Thư chăm chút tỉ mỉ trong từng khâu chế biến (Ảnh: NVCC).

"Tại cuộc thi, được ban giám khảo định hướng, chia sẻ kinh nghiệm nên tôi mạnh dạn đầu tư sản xuất nhiều dòng sản phẩm giá trị, an toàn từ củ nghệ. May mắn sau một thời gian triển khai, những sản phẩm của tôi bắt đầu được nhiều người biết đến và tin dùng", chị Thư phấn khởi chia sẻ.

Đưa sản phẩm quê nhà vươn tầm quốc tế

Sau đó, chị Thư lập công ty, đầu tư thêm cơ sở vật chất như máy nghiền, hệ thống sấy lạnh, sấy nóng… phục vụ quá trình chế biến các sản phẩm.

Rời TPHCM, cô gái quê nghèo thành công với củ nghệ bán ở trời Tây - 4

Các dòng sản phẩm làm đẹp từ nghệ rất được ưa chuộng (Ảnh: NVCC).

Lần lượt các sản phẩm như: son môi, xà bông, kem dưỡng da, kem chống nắng, serum nghệ, mặt nạ nghệ… ra đời. Những dòng mỹ phẩm này được bào chế hoàn toàn từ thiên nhiên với thành phần là nước cất nghệ, tinh dầu nghệ, tinh bột nghệ… an toàn cho làn da.

Chăm chút, đầu tư kỳ công cho sản phẩm làm đẹp từ nghệ, chị Thư hạnh phúc khi nhận được "cơn mưa" lời khen từ khách hàng. Các dòng mỹ phẩm nhanh chóng được truyền tay nhau sử dụng rộng rãi.

Cuối năm 2020, chị Thư đã ký được hợp đồng, xuất khẩu sản phẩm từ nghệ sang Hà Lan theo đường chính ngạch (2 tháng xuất khẩu một lần). Đây là đơn vị phân phối độc quyền cho các sản phẩm của chị Thư tại các nước Châu Âu.

"Thành quả bước đầu được đón nhận nên tôi rất vui. Tôi vẫn luôn ấp ủ mơ ước được giới thiệu rộng rãi sản phẩm từ nguyên liệu quê nhà đến nhiều nơi trên thế giới", chị Thư cho hay.

Được biết, mỗi tháng, công ty của chị Thư bán được trên 1.000 sản phẩm mỹ phẩm từ nghệ, tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Không chỉ vậy, mỗi năm, công ty của chị Thư còn giúp tiêu thụ khoảng 70 - 100 tấn nghệ nguyên liệu cho bà con nông dân. Chị Thư luôn mua nghệ giá thấp nhất ở mức 7.000 - 8.000 đồng/kg và luôn hỗ trợ giá cho người trồng.

Đồng thời, chị còn giới thiệu các vùng nguyên liệu của nông dân cho những đơn vị cần nguồn nghệ tươi để chế biến.

Rời TPHCM, cô gái quê nghèo thành công với củ nghệ bán ở trời Tây - 5

Những dòng xà bông làm từ tinh nghệ của Thư được bày bán trên thị trường (Ảnh: NVCC).

"Hiện, trong thời điểm dịch bệnh, tôi đẩy mạnh việc mở thêm đại lý các tỉnh, thành và bán hàng online. Tôi cũng dự định sẽ mở rộng, đa dạng các dòng mỹ phẩm chiết xuất từ nghệ và đang nỗ lực để thực hiện hoài bão của mình. Với tôi, việc quyết định bỏ phố về quê dù có khó khăn nhưng tôi vẫn luôn hài lòng", chị Thư bày tỏ.

Ông Vũ Văn Lương - Chủ tịch UBND xã Ea Pil (huyện M'Đrắk) cho biết, chị Lê Thị Thư là thanh niên vượt khó, khởi nghiệp thành công điển hình tại địa phương. Mô hình kinh doanh tạo được hiệu quả kinh tế cao và giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, địa phương cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất trong khuôn khổ để hỗ trợ công ty của chị Thư phát triển.