1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Rời Nhật Bản về quê, chàng trai tạo sự khác biệt trong nghề nuôi cá lồng

Tiến Thành

(Dân trí) - Bè nổi công nghệ Na Uy mà chàng trai Quảng Bình đang dùng để nuôi cá trên sông Gianh được làm bằng nhựa HDPE, dễ lắp đặt, có độ bền cao, chống chọi bão lũ rất tốt, góp phần hạn chế rủi ro.

Khác biệt từ công nghệ Na Uy

Anh Hoàng Minh Vương (SN 1990, trú tại thôn 1, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) vốn là cử nhân kinh tế của trường Đại học Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp đại học, Vương may mắn được sang Nhật Bản học tập và làm việc về chuyên ngành thủy sản.

Sau 2 năm vừa học vừa làm tại Nhật, với một ít vốn liếng có được, chàng trai Hoàng Minh Vương đã quyết định trở về, hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Rời Nhật Bản về quê, chàng trai tạo sự khác biệt trong nghề nuôi cá lồng - 1

Sau 2 năm vừa học vừa làm tại Nhật, Hoàng Minh Vương quyết định trở về, hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Chia sẻ với PV Dân trí, anh Vương cho biết, khoảng 8 năm trước, gia đình anh đã làm mô hình nuôi cá chẽm. Tuy nhiên, lúc đó chỉ có khoảng vài nghìn con cá với bè nuôi truyền thống, thô sơ, mỗi lần lụt bão là mất trắng.

Trong quá trình học tập kinh nghiệm ở Nhật Bản cũng như tìm hiểu các nguồn thông tin trên mạng internet, anh may mắn biết đến mô hình bè cá công nghệ Na Uy. Nhận thấy ưu điểm lớn mà mô hình bè cá này mang lại, anh Vương đã quyết tâm đầu tư, thay thế những bè cá truyền thống lâu nay gia đình anh sử dụng để tối ưu hóa hiệu quả trong nghề nuôi cá chẽm.

Rời Nhật Bản về quê, chàng trai tạo sự khác biệt trong nghề nuôi cá lồng - 2

Anh Vương đã quyết tâm đầu tư, thay thế những bè cá truyền thống thành bè nổi công nghệ Na Uy để tối ưu hóa hiệu quả trong nghề nuôi cá chẽm.

Bè cá theo công nghệ Na Uy này tiêu tốn của anh Vương hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, điều khác biệt mà nó mang lại là chất liệu ống nhựa HDPE hiện đại, độ bền cao, có thể sử dụng lên đến 40-50 năm so với bè cá truyền thống sau vài ba năm lại hư hỏng. Một điều đặc biệt nữa là bè cá theo công nghệ Na Uy có cấu tạo hình tròn, dễ lắp đặt, di chuyển, chống chịu rất tốt trước bão, lũ, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi cá.

Lồng cá công nghệ cao mà anh Vương đang sử dụng có thể tích khoảng 150m3, độ sâu từ 2,5-3m, có thể thả nuôi khoảng 5.000 con cá.

Rời Nhật Bản về quê, chàng trai tạo sự khác biệt trong nghề nuôi cá lồng - 3

Bè cá của anh Vương sử dụng chất liệu ống nhựa HDPE hiện đại, độ bền cao và có thể sử dụng lên đến 40-50 năm.

"Quảng Bình hàng năm thường phải đối mặt với nhiều trận mưa bão, dòng chảy xiết, nếu làm bè cá theo phương thức truyền thống rủi ro sẽ rất cao, lưới dễ bị rách và bè bị vỡ. Áp dụng lắp đặt hệ thống lồng bè nuôi cá bằng ống nhựa HDPE hiện đại theo công nghệ Na Uy sẽ là giải pháp giúp chống chịu với lụt bão. Mặc dù hệ thống này chi phí hơi cao nhưng với ưu điểm của nó, tôi đã mạnh dạn đầu tư", anh Vương chia sẻ.

Thoát cảnh thấp thỏm mất trắng khi lũ về

Để nuôi cá chẽm trong bè nổi theo công nghệ Na Uy, đầu năm 2021, anh Hoàng Minh Vương đã mạnh dạn đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng để làm lồng bè, kho lạnh chứa thức ăn cho cá cũng như mua cá giống từ Huế về nuôi.

Rời Nhật Bản về quê, chàng trai tạo sự khác biệt trong nghề nuôi cá lồng - 4

Trong vụ cá vừa qua, anh Vương đã nuôi thả 4.000 con cá chẽm.

Sở dĩ anh Vương lựa chọn cá chẽm bởi loại cá này phù hợp với đặc điểm nguồn nước sông Gianh. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ của thị trường Quảng Bình và các vùng lân cận cũng khá lớn.

Đặc tính của cá chẽm là sống trong môi trường sạch, thức ăn là các loại cá tự nhiên tươi sống. Do đó, anh Vương đã chủ động hợp đồng với các chủ tàu, thuyền gom thức ăn tươi cho cá, đầu tư kho lạnh bảo quản. Bên cạnh đó, anh cũng lắp đặt hệ thống bơm điều tiết giúp nguồn nước trong hồ nuôi luôn sạch sẽ, chọn giống cá chất lượng, bảo đảm cá nhanh lớn, khỏe mạnh, đạt hiệu quả cao.

Rời Nhật Bản về quê, chàng trai tạo sự khác biệt trong nghề nuôi cá lồng - 5

Sau một năm, mô hình của anh Vương đã cho thu hoạch 1/2 số cá, đạt sản lượng 2,2 tấn cá thương phẩm.

Bằng những nỗ lực của mình trong bước đầu khởi nghiệp, anh Vương đã thả nuôi hơn 4.000 con cá chẽm. Sau một năm, mô hình đã thu hoạch 1/2 số cá, đạt sản lượng 2,2 tấn cá thương phẩm. Với giá bán 85-90 nghìn đồng/kg, anh Vương thu về gần 200 triệu đồng (lãi khoảng 80 triệu đồng). Số cá còn lại dự kiến sẽ thu hoạch vào giữa năm 2022.

Việc mạnh dạn đầu tư và xây dựng thành công mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao của anh Vương không chỉ nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình, mà còn góp phần tạo ra những đổi thay tích cực trong sản xuất nông nghiệp của một địa phương thuần nông còn nhiều khó khăn như xã Mỹ Trạch.

Rời Nhật Bản về quê, chàng trai tạo sự khác biệt trong nghề nuôi cá lồng - 6

Cá chẽm phù hợp với đặc điểm nguồn nước sông Gianh. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ loại cá này của thị trường tỉnh Quảng Bình và các vùng lân cận cũng khá lớn.

Mô hình cũng góp phần giúp huyện Bố Trạch từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.

"Ở đây cũng có nhiều người nuôi cá lồng, tuy nhiên chỉ có tôi là đã áp dụng bè nổi công nghệ cao. Khu vực này nước chảy xiết, bè cá truyền thống cứ một thời gian là lại bị gãy, hư hỏng phải gia cố, cá thoát hết ra sông. Riêng bè của tôi thì vẫn kiên cố, mưa lũ cũng đỡ lo lắng hơn nhiều", anh Vương cho biết thêm.

Không chỉ nuôi cá, với kiến thức của bản thân, hiện anh Vương cũng đang đầu tư nuôi hàng chục con lợn rừng, gà đông tảo, gà trọi… Với những hiệu quả mang lại nhờ bè cá công nghệ Na Uy, anh Vương cũng đang dự định mở rộng mô hình và đa dạng hơn nữa các loại cá nuôi trong thời gian tới.

Rời Nhật Bản về quê, chàng trai tạo sự khác biệt trong nghề nuôi cá lồng - 7
Rời Nhật Bản về quê, chàng trai tạo sự khác biệt trong nghề nuôi cá lồng - 8

Không chỉ nuôi cá, với kiến thức chăn nuôi của bản thân, hiện anh Vương cũng đang đầu tư nuôi hàng chục con lợn rừng, gà đông tảo, gà chọi…

Ông Phan Nam Tiến, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trạch cũng cho hay, đây là mô hình đầu tiên ứng dụng theo công nghệ Na Uy để nuôi trồng thủy sản ở huyện Bố Trạch. Sau một thời gian đầu tư triển khai, lồng cá của anh Vương đang phát triển ổn định và có thu nhập cao. Xã Mỹ Trạch xác định đây là mô hình có tiềm năng, hiệu quả kinh tế, nên nhân rộng trên địa bàn.