Quy định việc thu hồi, nộp lại giấy phép của doanh nghiệp XKLĐ
(Dân trí) - Đây là một nội dung mới trong dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến góp ý.
Theo đó, dự thảo nghị định nêu rõ hơn trường hợp doanh nghiệp dịch vụ phải nộp lại giấy phép gồm: Chấm dứt tồn tại do bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập, giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp chấm dứt hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đơn cử như trường hợp doanh nghiệp bị hợp nhất, bị sáp nhập, dự thảo nêu rõ: "Trong thời hạn 15 ngày sau khi tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp được chuyển sang đã bị hợp nhất hoặc bị sáp nhập, doanh nghiệp dịch vụ phải nộp lại giấy phép cho Bộ LĐ-TB&XH và thực hiện báo cáo theo quy định...".
Đồng thời, doanh nghiệp hợp nhất, doanh nghiệp nhận sáp nhập thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ đã bị hợp nhất, bị sáp nhập quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Dự thảo cũng bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục nộp lại giấy phép đối với từng trường hợp, đảm bảo trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ, giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động đối với doanh nghiệp mới tiếp quản sau khi doanh nghiệp dịch vụ chấm dứt tồn tại.
Theo đó, doanh nghiệp dịch vụ báo cáo Bộ LĐ-TB&XH bằng văn bản về các hợp đồng cung ứng lao động còn hiệu lực, số lượng người lao động đang làm việc ở nước ngoài; số lượng người lao động đã tuyển chọn, đang tham gia bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng, tiền ký quỹ và các khoản thu của người lao động để đưa đi làm việc ở nước ngoài và việc đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Liên quan tới việc thu hồi giấy phép, dự thảo quy định cụ thể về căn cứ, trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép của doanh nghiệp dịch vụ trong từng trường hợp, trách nhiệm báo cáo và đảm bảo tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ, giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động của doanh nghiệp sau khi bị thu hồi giấy phép.
Bên cạnh đó, quy định mức ký quỹ, việc quản lý, sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ. Mức tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ là 2 tỷ đồng và với mỗi chi nhánh hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp dịch vụ phải ký quỹ thêm 500 triệu đồng.
Doanh nghiệp dịch vụ phải bồi thường cho người lao động do không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của pháp luật hoặc trong trường hợp doanh nghiệp bị cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền…