1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đắk Lắk:

Dùng văn bản mạo danh Văn phòng Chính phủ để tổ chức XKLĐ trái phép

Thúy Diễm

(Dân trí) - Dù chưa được cấp phép hoạt động, không có chức năng tuyển dụng nhưng một văn phòng đại diện doanh nghiệp tại Đắk Lắk đã lôi kéo người lao động đi làm việc ở nước ngoài để trục lợi.

Hoạt động trái phép

Chiều tối 2/3, trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Nguyễn Hữu Lương - Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Đắk Lắk (PA03) cho biết, đơn vị đang xử lý theo quy định Văn phòng đại diện của Công ty Cổ phần Việt TN tại Tây Nguyên (trụ sở tại đường Ngô Quyền, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột).

Dùng văn bản mạo danh Văn phòng Chính phủ để tổ chức XKLĐ trái phép - 1
Cơ quan Công an làm việc với đơn vị tuyển dụng người đi lao động ở Hàn Quốc trái phép

Đơn vị này có hành vi sử dụng một văn bản mạo danh Văn phòng Chính phủ để tổ chức tư vấn, tuyển chọn người đi lao động thời vụ tại Hàn Quốc trái phép nhằm thu lợi bất chính.

Theo Đại tá Lương, Công ty Cổ phần Việt TN được cấp phép hoạt động ở Hà Nội và có mở Văn phòng đại diện tại Đắk Lắk, có làm thủ tục đăng ký nhưng chưa được cấp phép hoạt động. Dù đơn vị này chỉ có chức năng tư vấn nhưng lại tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Văn phòng này do ông Trần Văn Khương (56 tuổi, ngụ phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột) làm Phó Văn phòng đại diện.

Đại tá Lương cho biết, Văn phòng đại diện đã sử dụng một văn bản mạo danh Văn phòng Chính phủ rồi dựa vào đó tư vấn, tuyển dụng nhiều người đi lao động thời vụ tại Hàn Quốc.

"Đơn vị này đã tuyên truyền, lôi kéo 47 người làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động. Trong đó, một số lao động đã đưa vào bệnh viện Chợ rẫy - TP HCM khám sức khỏe thì cơ quan chức năng phát hiện, yêu cầu ngừng lại và khắc phục hậu quả cho những người bị hại. Hiện đơn vị này chưa thực hiện được hoạt động đưa lao động đi nước ngoài" - Đại tá Lương thông tin.

Được biết, Văn phòng đại diện đã hoạt động từ tháng 5/2020 nhưng ban đầu là đăng tải thông tin trên mạng xã hội. Sau đó, lôi kéo người lao động đăng ký tham gia và tiến hành các thủ tục liên quan.

Cần cảnh giác cao 

Cũng liên quan tới tình hình trên, bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng phòng Lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk, cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người lao động,  Sở đã báo cho PA03 tiến hành kiểm tra và yêu cầu đại diện doanh nghiệp đến làm việc.

Dùng văn bản mạo danh Văn phòng Chính phủ để tổ chức XKLĐ trái phép - 2

Người lao động được tư vấn việc làm tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Đắk Lắk

"Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản yêu cầu văn phòng công ty này khắc phục, trả lại tiền đã thu cho người lao động. Đồng thời, có văn bản gửi cho UBND các huyện, thị xã, thành phố cảnh báo cho các địa phương biết để cảnh giác. Sau quá trình làm việc, phía Sở có liên hệ với những lao động từng phản ánh thì họ cho biết phía công ty đã khắc phục" - bà Lý cho hay.

Bà Lý nêu rõ, trên địa bàn tỉnh có 7 đơn vị được cấp giấy phép dịch vụ việc làm. Về mảng xuất khẩu lao động, trên địa bàn, Bộ LĐ-TB&XH mới cấp phép cho công ty. Tuy nhiên, do năm 2020 có dịch Covid-19, công ty này chưa có hoạt động gì.

Đối với các đơn vị, các công ty trên toàn quốc đến tỉnh đề nghị xuống các địa phương tư vấn tuyển dụng lao động, phía Sở sẽ kiểm tra kỹ các hồ sơ. Nếu hồ sơ, giấy tờ đầy đủ Sở sẽ có văn bản gửi các địa phương để những đơn vị này có thể xuống làm việc.

Hiện vụ việc đang được mở rộng, làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.