1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quy định về ký hợp đồng với nhân viên phục vụ tại bệnh viện

Bà Lê Na (Long An) làm việc tại bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh. Căn cứ Nghị định 68/2000/NĐ-CP và Thông tư 15/2001/TT-BTCCBCP, bệnh viện của bà ký hợp đồng lao động có thời hạn đối với các chức danh nhân viên phục vụ.

Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động : "... Trường hợp hai bên ký hợp đồng mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ ký thêm 1 lần, sau đó người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn,...".

Như vậy, khi hợp đồng lao động có thời hạn đối với chức danh nhân viên phục vụ hết thời hạn, bệnh viện được quyền ký hợp đồng lao động có thời hạn với người lao động thêm 1 lần và khi hợp đồng này hết thời hạn nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì bệnh viện phải tiến hành ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản, bệnh viện không được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP mà chỉ được ký hợp đồng xác định thời hạn và khi hợp đồng hết thời hạn nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc bệnh viện sẽ tiến hành gia hạn hợp đồng cho những năm tiếp theo.

Bà Na hỏi, cơ quan chủ quản hướng dẫn như vậy có đúng không? Có vi phạm Bộ luật Lao động không?

Theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP , nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP được áp dụng thang bảng lương số 4. Vậy, khi ký hợp đồng lao động lần đầu với người lao động theo chức danh nhân viên phục vụ, bệnh viện có thể ký với người lao động hưởng mức lương ở bậc 4 không, hay bắt buộc phải bắt đầu với mức lương ở bậc 1 (bệnh viện trả lương cho nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP bằng nguồn thu của đơn vị)?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề bà Na hỏi như sau:

Theo Điều 1 Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 2/12/2000, hiện còn hiệu lực) và hướng dẫn tại Khoản 2, Mục I Thông tư 15/2001/TT-BTCCBCP ngày 11/4/2001 của Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ, nay là Bộ Nội vụ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2001, hiện còn hiệu lực), trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc sau đây:

- Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp.

- Lái xe.

- Bảo vệ.

- Vệ sinh.

- Trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức và khách đến làm việc với cơ quan, đơn vị sự nghiệp.

- Công việc khác như nấu ăn tập thể, tạp vụ, mộc nề, chăm sóc và bảo vệ cảnh quan trong cơ quan, tổ chức, đơn vị,...

Phải thực hiện đúng quy định của Bộ luật lao động

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 22 Bộ luật Lao động, khi hợp đồng lao động xác định thời hạn (là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng) hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng lao động xác định thời hạn đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 1 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Trường hợp bà Lê Na phản ánh, cơ quan chủ quản của bệnh viện hướng dẫn, bệnh viện không được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với nhân viên hợp đồng, mà chỉ được ký hợp đồng xác định thời hạn, khi hợp đồng hết thời hạn nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc bệnh viện sẽ tiến hành gia hạn hợp đồng cho những năm tiếp theo.

Theo luật sư, hướng dẫn của cơ quan chủ quản bệnh viện chỉ phù hợp đối với trường hợp khi ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn lần đầu, mà trong hợp đồng có ghi rõ thỏa thuận của hai bên, khi hết hạn hợp đồng lần đầu, hợp đồng sẽ mặc định gia hạn thêm một thời hạn nữa. Tuy nhiên, việc thỏa thuận mặc định gia hạn thêm một thời hạn nữa sau khi hợp đồng lao động lần đầu hết thời hạn phải được coi là đã ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn lần thứ 2. Nếu sau khi hết thời hạn gia hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động.

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, bệnh viện cần tuân thủ, chấp hành đúng quy định của pháp luật về lao động, trong đó có quy định tại Khoản 2, Điều 22 Bộ luật Lao động.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp và tổ chức công đoàn tại bệnh viện cần có kiến nghị với cơ quan chủ quản để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; bảo đảm sự tự chủ trong hoạt động của đơn vị, trong đó có tự chủ về nhân sự theo quy định tại Điều 7 Nghị định 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ; bảo đảm ổn định nguồn nhân lực có tay nghề, có kinh nghiệm, gắn bó lâu dài với đơn vị.

Mọi sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chủ quản đối với cơ quan, đơn vị cấp dưới về quan hệ lao động, về việc làm; về hợp đồng lao động cần tuân thủ quy định của pháp luật về lao động và nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật .

Thỏa thuận xếp, trả lương theo trình độ tay nghề

Điều 15 Bộ luật Lao động quy định, hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Về nguyên tắc, thỏa thuận về tiền lương phải được hai bên thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật về tiền lương.

Hiện nay, những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP được xếp lương theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.

Đối với nhân viên phục vụ trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, áp dụng thang lương 12 bậc, tại bảng lương số 4, ban hành kèm theo Nghị định này. Bậc 1 khởi điểm có hệ số 1,00 nhân với mức lương cơ sở. Bậc 12 có hệ số 2,98 nhân với mức lương cơ sở. Hệ số chênh lệch giữa hai bậc liền kề là 0,18.

Việc xếp, trả lương cho nhân viên được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, căn cứ vào trình độ tay nghề và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của nhân viên đó.

Theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước là 1.390.000 đồng/tháng.

Như vậy, kể từ ngày 1/7/2018, mức lương chức danh nhân viên bậc 4 hệ số 1,54, theo bảng lương số 4, ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP sẽ là 1.390.000 đồng x 1,54 = 2.140.600 đồng.

So sánh mức lương bậc 4 hệ số 1,54 theo Bảng lương số 4, ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP với mức lương tối thiểu vùng, thì thấy thấp hơn mức lương tối thiểu các vùng I, II, III, IV quy định tại Nghị định 141/2017/NĐ-CP ngày 7/12/2017 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Vì vậy, căn cứ vào sự tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập về tài chính bảo đảm chi thường xuyên quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 12 Nghị định 141/2016/NĐ-CP; căn cứ vào tay nghề, khả năng đáp ứng công việc, bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, bệnh viện và người lao động có thể thỏa thuận ký kết hợp đồng lao động, xếp, trả lương với mức lương bậc 4/12 (hệ số 1,54) theo Bảng lương số 4, ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.