Quy định mới về hưởng trợ cấp thất nghiệp

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện việc tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Điều 52 của Luật Việc làm và một số quy định về bảo hiểm thất nghiệp. Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2015. Các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01/01/2015.

* Về đối tượng áp dụng:

Người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm. Người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã hưởng tiền lương và có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Tổ chức bảo hiểm xã hội, Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm thành lập được giao các nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 Luật Việc làm.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm.

* Về mức hưởng và tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp:

Cách xác định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của như sau:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng

=

Mức lương bình quân của 6 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp

x

60%

Trong đó:

Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì 6 tháng liền kề để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là bình quân tiền lương của 6 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

* Trường hợp bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp:

1. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được xác định như sau:

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu

=

Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

-

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đã hưởng trợ cấp thất nghiệp

Về trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu, bao gồm:

Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.

Sau khi có quyết định của giám đốc sở LĐ-TB&XH về việc hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện trả hồ sơ cho người lao động. Trường hợp sau 3 tháng kể từ ngày hết thời hạn trả kết quả mà người lao động không đến trung tâm dịch vụ việc làm nhận lại sổ bảo hiểm xã hội thì trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của 03 tháng nêu trên, trung tâm dịch vụ việc làm chuyển sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đó đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để quản lý.

Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.

Tổ chức bảo hiểm xã hội căn cứ quyết định về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vào sổ bảo hiểm xã hội theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động có những tháng lẻ chưa giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.

Hoàng Mạnh