Quảng Nam: Công nhân khu công nghiệp “khát” nhà ở thu nhập thấp
(Dân trí) - Nhiều công nhân tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đang mong ngóng từng ngày về một chốn an cư phù hợp với đồng lương vốn ít ỏi.
Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc đang thu hút hàng trăm doanh nghiệp và khoảng 25.000 công nhân, người lao động vào làm việc tại đây.
Do thu nhập còn thấp, một bộ phận công nhân và người lao động chưa dám “mơ” đến một ngôi nhà riêng để ở.
Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến 40°C, nhưng bước chân vào các dãy phòng trọ của công nhân thuộc Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc có cảm giác nhiệt độ còn cao hơn so với bên ngoài.
Cái nắng, cái nóng thêm cơn gió tạt vào mặt người bỏng rát. Làm trong xưởng đã vất vả nhưng khi trở về nhà trọ, nhiều lao động còn mệt mỏi, khốn khổ hơn. Hơi nóng hầm hập khiến nhiều người cảm thấy bức bối, khó chịu.
Họ cũng chẳng có cách nào, bởi không đủ tiền mua nhà riêng, thậm chí thuê nhà trọ tốt hơn. Trời nóng đã khổ, trời mưa cũng khổ không kém khi nước mưa thấm dột, ẩm ướt…
Gia đình nhỏ của vợ chồng chị Nguyễn Thị H. (SN 1993, quê huyện Thăng Bình, Quảng Nam) sống trong cảnh như vậy. Hiện chị H. đang là công nhân Công ty giày Rieker Việt Nam trong Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc.
Hai vợ chồng đều là công nhân, lương tháng cộng lại cũng chừng 10 triệu và phải nuôi con nhỏ đang học mẫu giáo. Chồng chị là công nhân tại công ty giày bảo hộ, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên lượng công việc cũng ít đi và đứng trước nguy cơ cắt giảm lao động.
Trong căn nhà trọ chưa đầy 4m2 với giá thuê 500.000 đồng/tháng là nơi sinh sống của gia đình nhỏ. Chị H. cho biết, cả tuần đi làm, nhưng cuối tuần về nghỉ ở nhà thì như vào “hầm”, nóng bức khó chịu.
Chưa kể, việc ăn uống hay cho con học bài đều phải ra ngoài hành lang bật máy quạt cho mát. Mùa hè thì nắng nóng hầm hập là vậy nhưng mùa mưa thì cống không thoát nước gây mùi hôi khó chịu.
“Ai cũng muốn chốn an cư để yên tâm làm việc, con cái được sống trong môi trường tốt hơn. Nhưng tiền lương ba cọc, ba đồng, chi tiêu trong gia đình, con cái ăn học còn không đủ chớ nói chi đến mua nhà.
Hai vợ chồng cũng mong có nhà ở giá rẻ, cho trả góp thì may ra còn dám mơ xa. Vợ chồng cũng bàn nhau về quê chứ không thể ở trọ mãi, nhưng về quê thì biết làm việc gì, tính tới tính lui cũng nản lắm”, chị H. chia sẻ.
Cùng chung tâm trạng, anh Phan Văn G. (SN 1987, quê huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) là thợ xây dựng, còn vợ là công nhân may tại Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc.
Hai vợ chồng tha hương cũng gần 10 năm, dù mong muốn có căn nhà nhỏ để an cư lạc nghiệp nhưng cuộc sống khó khăn và đồng lương ít ỏi nên mơ ước vẫn chưa thành hiện thực.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên anh G. bị mất việc gần 3 tháng, thời gian gần đây mới tìm được việc làm. Ngồi tiếp khách trong cái “lò bát quái”, anh G. mơ ước về một căn hộ tập thể nhỏ.
Ước mơ đó từng được nhen nhóm khi nghe thông tin về dự án xây dựng khu nhà tập thể cho công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp.
“Vợ chồng tiết kiệm cũng không được bao nhiêu, mua đất thì không dám mơ rồi, chỉ hy vọng có căn hộ cho người thu nhập thấp như chúng tôi là mừng lắm”, anh G. bày tỏ.