1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quảng Bình: Xóa suy nghĩ “lối mòn” của lao động thất nghiệp về học nghề

(Dân trí) - Qua 10 năm triển khai chính sách BHTN, người lao động tỉnh Quảng Bình đã từng bước thay đổi cách nhìn nhận. Thay vì cho rằng chỉ đến Trung tâm nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động có thể tự tin tiếp cận thêm các chính sách tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề phù hợp qua đó sớm quay trở lại thị trường lao động.

Đưa chính sách BHTN tới người lao động

Theo Giám đốc Trung tâm DVVL Quảng Bình Nguyễn Thanh Phương, phần lớn lao động thất nghiệp hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp ở Quảng Bình đều đã từng làm việc ở các khu công nghiệp các thành phố lớn như Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh.

Quảng Bình: Xóa suy nghĩ “lối mòn” của lao động thất nghiệp về học nghề - 1

Do đó, khi hưởng trợ cấp thất nghiệp tại địa phương lao động ít có nhu cầu tìm việc làm mà chỉ muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, lao động lại tìm cách quay trở lại các thành phố lớn để làm việc.

“Điều này dẫn đến hiệu quả của công tác giới thiệu việc làm tại tỉnh không cao. Mặt khác, số lượng lao động tập trung ở các vùng nông thôn, chủ yếu là lao động phổ thông có trình độ học vấn thấp, hiểu biết pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Việc làm còn hạn chế” - ông Nguyễn Thanh Phương nói.

Bên cạnh đó, đặc điểm dân cư và kinh tế chung của tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Phương đánh giá công tác thực hiện BHTN 10 năm qua

Những năm đầu triển khai thực hiện chính sách BHTN, người lao động không mấy mặn mà với việc được hỗ trợ học nghề, họ chỉ quan tâm đến quyền lợi là được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp. Số lượng người hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề là không có.

Ông Nguyễn Thanh Phương cho biết: “Trước thực tế này, Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác tư vấn học nghề, giúp người lao động có thể hiểu rõ các điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, nhu cầu của người sử dụng lao động, nhu cầu của thị trường lao động… Qua đó góp phần định hướng nghề nghiệp phù hợp cho người thất nghiệp”.

Từ sau khi Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg được ban hành với mức hỗ trợ kinh phí học nghề tăng lên đã tạo thuận lợi cho nhiều người lao động có cơ hội tham gia khóa học nghề. Số lượng lao động thất nghiệp có nhu cầu tham gia học nghề ngày càng tăng. Trung tâm đã tăng cường công tác phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh, tư vấn cho người lao động những ngành nghề mà nhu cầu thị trường đang cần, để kết thúc khóa học nghề người lao động dể dàng tìm kiếm được việc làm.

“Tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề là 227 người chiếm 1,33% tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ học nghề là 1.008.050.000 đồng. Phần lớn các học viên theo học nghề lái xe và kỹ thuật chế biến món ăn”, ông Nguyễn Thanh Phương cho biết.

Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề

Đại diện Trung tâm DVVL Quảng Bình cũng nhìn nhận, công tác hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp vẫn còn những tồn tại. Học nghề mới chỉ tập trung vào một số ít nghề như lái xe.

Phần lớn người lao động theo học chỉ mục đích là để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bản thân, không sử dụng nghề mình đang theo học để quay lại thị trường lao động. Một số lao động có xu hướng nghỉ việc về làm nông nghiệp, nội trợ hoặc tự tạo việc làm (mở tạp hóa, buôn bán nhỏ...) nên cũng không có nhu cầu học nghề…

Quảng Bình: Xóa suy nghĩ “lối mòn” của lao động thất nghiệp về học nghề - 2

Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ học nghề, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, theo ông Nguyễn Thanh Phương cần chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp ngay từ khi chưa nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và trong suốt thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Việc tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ có thể được thực hiện thông qua các hình thức như: Tổ chức các cuộc tư vấn nhóm tại chỗ, giới thiệu các đơn vị tuyển dụng, các ngành nghề...; thường xuyên thăm dò nhu cầu học nghề của người lao động thông qua phiếu thăm dò nhu cầu nhằm đưa ra các giải pháp để tăng cường công tác hỗ trợ học nghề” - ông Nguyễn Thanh Phương nói.

Cùng với đó, phân công cán bộ chuyên trách tư vấn giới thiệu việc làm; cán bộ chuyên trách đào tạo nghề để tư vấn chuyên sâu, nâng cao chất lượng trong công tác tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, quản lý hồ sơ và theo dõi quá trình giới thiệu việc làm đối với người lao động.

Chủ động gợi mở hơn nữa, tạo môi trường thân thiện, cởi mở giữa cán bộ tư vấn với người lao động để nắm bắt tâm tư nguyện vọng tìm việc của người lao động từ đó có biện pháp giới thiệu việc làm thích hợp với từng lao động.

Ngoài ra, hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu về cung cầu lao động nhất là cầu lao động của các doanh nghiệp để thường xuyên cập nhập thông tin, khai thác thông tin phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm hiệu quả.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, chính sách BHTN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có những kết quả đáng khích lệ, được người lao động và người sử dụng lao động đón nhận một cách tích cực và được dư luận xã hội đánh giá cao. Số lượng người tham gia và hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh được tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề ngày càng tăng.

Trong 10 năm, Quảng Bình đã có 17.398 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó có 17.080 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm là 16.464 người. Số lao động được giới thiệu việc làm là 562 người. Số người có quyết định hỗ trợ học nghề là 227 người.

Lâm Tuyền