Quán bánh canh đau thương thời Covid-19 giờ ra sao?

Nguyễn Vy

(Dân trí) - 6h chị Kim Thu và anh Thanh Tịnh (cùng 44 tuổi) lật đật dọn hàng bánh canh O Thanh (quận Bình Tân, TPHCM). Cái tên "nghe quen quen" khiến nhiều người bật ra chuyện thời Covid-19 phát lộ...

"Quán "bánh canh Covid-19" đúng không?", vài người mạnh dạn hỏi.

Những lần như vậy, chị Thu chỉ cười trừ: "Nó đó! Quán bánh canh phát lộ ca Covid-19 đầu tiên".

Quán bánh canh đau thương thời Covid-19 giờ ra sao? - 1

Dời qua mặt bằng mới, quán bánh canh O Thanh vẫn được nhiều thực khách ủng hộ (Ảnh: Nguyễn Vy).

Hương vị bánh canh 10 năm của mẹ

Đến nay, quán bánh canh O Thanh đã tồn tại được hơn 10 năm, toàn bộ công thức nấu do một tay mẹ anh Tịnh làm nên, rồi truyền cho 6 người con trong gia đình. Song, đến nay chỉ có vợ chồng anh Tịnh còn duy trì quán ăn. Bố mẹ anh không còn đứng quán vì sức khỏe xuống nhiều sau đợt nhiễm Covid-19.

Dù chỉ mới mở cửa, quán đã có lác đác vài người đến chờ ăn. Thực khách yêu thích món ăn tại đây bởi cái đậm vị của tô bánh canh cá lóc của người gốc Huế. Bánh canh dao động từ 35.000-45.000 đồng/tô, tùy mức độ đầy đủ các loại "topping" ăn kèm như cá, huyết, chả,…

Quán bánh canh đau thương thời Covid-19 giờ ra sao? - 2

Cách pha nước dùng theo công thức riêng, vị dai đặc biệt của sợi bánh canh bột gạo là thứ khiến quán bánh canh xứ Huế trụ vững hơn 10 năm qua (Ảnh: Nguyễn Vy).

Trước đây, quán chỉ bán mỗi món bánh canh cá lóc, nhưng sau này do nhu cầu của thực khách, gia đình chị làm thêm bún bò để đa dạng hương vị cho khách. Đây cũng là một trong những món ăn mà mẹ anh Tịnh tâm đắc, mở bán khi còn ở Huế.

Mỗi ngày, cả nhà anh phải dậy từ 4h để chuẩn bị sợi bánh canh, chả cá và một số nguyên liệu khác. Bà chủ phải chuẩn bị 2 nồi nước dùng, 20 kg cá lóc, 20 kg sợi bánh mới đủ phục vụ thực khách.

Bánh canh tại đây, sợi bánh được làm từ bột gạo, to, dày hơn hẳn sợi bún, phở thông thường. Khi ăn, sợi bánh có phần dẻo mà lại nhanh chóng tan ngay trong miệng. 

Quán bánh canh đau thương thời Covid-19 giờ ra sao? - 3

Mọi nguyên liệu đều được chủ quán chọn lựa, chuẩn bị kỹ càng (Ảnh: Nguyễn Vy).

Thứ níu chân thực khách suốt hàng chục năm qua chính là hương vị vừa vặn mặn, chua, ngọt của nước dùng. Nồi nước dùng được nấu bằng công thức gia truyền do mẹ anh Tịnh truyền lại với yếu tố quan trọng nhất là "cái tâm đặt vào món ăn".

Chị Mỹ Tiên (ngụ tại quận 10) cho hay, chị đã ăn bánh canh tại đây từ khi quán còn ở chi nhánh trên hẻm Nguyễn Đình Chiều (quận 3). Đến nay, dù quán đã dời qua đường Nguyễn Thức Đường (quận Bình Tân), chị vẫn thỉnh thoảng qua ăn.

"Tôi quê ở Huế nên ăn thấy vị quen thuộc lắm. Anh chị chủ ở đây cũng dễ thương, giá bán hợp lý nên tôi gắn bó với quán khá lâu rồi", chị Tiên chia sẻ.

Đổi mặt bằng để quên nỗi ám ảnh Covid-19

Tranh thủ lúc quán vắng, chị Thu ngồi nghỉ sau cơn sốt mệt tối qua. Chị Thu cho hay, trước đây khi quán còn ở mặt bằng cũ bên quận 3, khách đến ăn không đếm xuể.

"Quán bán từ thời còn ở vỉa hè, đến khi thuê mặt bằng lúc nào cũng đông nghịt khách. Nhiều người đến ăn phải tranh chỗ, đứng xếp hàng chờ tới lượt. Dời qua đây rồi, khách họ nhớ lắm, gọi điện hỏi miết", chị Thu nói.

Quán bánh canh đau thương thời Covid-19 giờ ra sao? - 4

Dù đã dời sang nơi mới, khách quen vẫn chịu khó đi xa để ghé ăn (Ảnh: Nguyễn Vy).

Khi còn ở quán cũ, mỗi ngày gia đình anh chị bán hết veo 400-500 tô bánh canh trong một buổi chiều là chuyện bình thường. Chuyển sang chỗ mới, cả nhà phải gồng gánh, bắt đầu lại từ đầu. Lượng khách vẫn đông nhưng không còn như trước.

Anh Tịnh bộc bạch, trước đây, khi ở Huế, bố mẹ anh đã mở quán bún bò nhiều năm. Sau này, 6 anh em anh vào TPHCM lập nghiệp, bố mẹ anh sau rốt cũng vào để được gần các con. Thời gian đầu, quán gặp nhiều khó khăn do chưa có khách quen. Dù vậy, nắng hay mưa, cả nhà anh vẫn vui vẻ, cùng nhau đồng hành vượt khó.

Không lâu sau, khách tới ăn nườm nượp. Đến khi gặp biến cố phải dời qua quán mới, hàng xóm ở nơi cũ vẫn nhắn vợ chồng anh về lại, sẵn sàng cho thuê mặt bằng giá rẻ để bán. Khách quen cũng liên tục kêu "nhớ", hi vọng có thể được ăn quán bánh canh cá lóc hơn chục năm kia.

Quán bánh canh đau thương thời Covid-19 giờ ra sao? - 5

Anh Tịnh cho hay, cả gia đình đã gắn bó với quán cũ rất lâu. Khi dời đi, không chỉ khách quen mà hàng xóm cũng thấy nhớ thương (Ảnh: Nguyễn Vy).

Nhớ lại ký ức thời giãn cách, anh Tịnh vẫn còn ám ảnh quá khứ khó quên ấy. Em gái của anh Tịnh là ca dương tính Covid-19 thứ hai trong chuỗi lây nhiễm "quán bánh canh O Thanh". Cô gái có bệnh nền, Covid-19 trở nặng không qua khỏi, gia đình anh mất đi một thành viên. Bố mẹ anh cũng vì thế mà đau buồn, day dứt mãi.

Thời điểm đó, 5 thành viên trong gia đình anh đều mắc Covid-19, quán phải đóng cửa hoàn toàn. Suốt mấy tháng ròng rã, thu nhập không có, cả nhà phải nương tựa nhau mà sống. Đến khi kết thúc đợt giãn cách, gia đình anh mới lật đật chuyển quán, đến nay vừa tròn 2 năm.

"Một phần vì không còn đáp ứng được chi phí mặt bằng, nơi bán lại xa nhà nên chúng tôi dời quán về Bình Tân bán cho tiện. Lí do khác là nơi cũ cũng chứa nhiều kỷ niệm buồn, nơi mà gia đình tôi mất một thành viên nên cả nhà quyết định rời đi nơi khác để tạm quên nỗi ám ảnh", anh Tịnh tâm sự.

Quán bánh canh đau thương thời Covid-19 giờ ra sao? - 6

Anh Tịnh và chị Thu cho hay, có thể sẽ quay về quán cũ một ngày nào đó, vì đã quá quen thuộc (Ảnh: Nguyễn Vy).

Sắp tới, anh cũng đã nghĩ đến việc sẽ quay trở lại quán cũ một ngày nào đó vì quán chính là nơi gắn bó với sự nghiệp của cả gia đình, chất chứa không ít kỷ niệm từ ngày cả nhà cùng vào Nam lập nghiệp.

"Ở đó dù, xa chỗ ở đến mấy mà vẫn thấy thân thương hơn, khách quen, hàng xóm cũng nhiều lắm. Đi thì tiếc nhưng cuộc sống bắt buộc mình phải làm như vậy. May mắn, sau những biến cố đau thương, bánh canh O Thanh được mọi người tiếp tục ủng hộ", anh Tịnh bộc bạch.