Phú Yên: Thu gần 200 triệu đồng/năm từ bí quyết ...ủ phân cá gốc cây
(Dân trí) - Ủ cá tạp và các phế phẩm hữu cơ khác để bón cho cây ăn quả thay vì dùng phân hóa học. Từ đó, sản phẩm trái cây sạch của ông Phú được nhiều người tin dùng, bước đầu thu gần 200 triệu đồng/năm
Đưa nông sản sạch về vùng quê nghèo
Ông Trần Ngọc Phú (SN 1973) ra và lớn lên ở xã Phong Chương (huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đến năm 1989, ông vào xã Ea Bar (huyện Sông Hinh, Phú Yên) làm công nhân phụ trách các thiết bị cơ khí tại Nông trường Cà phê Ea Bá.
Tuy nhiên, đến năm 2017 nông trường này giải thể, ông và nhiều bà con ở địa phương rơi vào cảnh thất nghiệp. Nhiều lao động khác làm việc ở nông trường chuyển sang tìm kiếm một cơ hội việc làm mới, còn riêng với ông Phú mong muốn gắn bó với nông nghiệp sạch.
Để có kiến thức làm nông nghiệp hữu cơ, ông Phú đã đi đến các nhà vườn ở Đắk Lắk, Bình Phước học hỏi và cuối cùng là “khăn gói” ra Viện Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội) xin lời khuyên từ các chuyên gia đầu ngành.
Sau khi tích góp được một ít kinh nghiệm, giữa năm 2017, tại khu vườn rộng 4ha của gia đình, ông Phú trồng các loại cây là sầu riêng xen canh chanh dây và sachi…Khi trồng, ông Phú không sử dụng thuốc diệt cỏ, mà để cỏ mọc tự nhiên, chỉ can thiệp bằng máy cắt để tận dụng nguồn hữu cơ, đồng thời giữ ẩm cho đất trong mùa hạn.
Để cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cây, ông Phú mua cá tạp, phân chuồng, rác thải vỏ cà phê, vỏ thanh long…sau đó trộn với men vi sinh ủ trong nhiều ngày. Khi hỗn hợp hữu cơ đạt độ “chín” ông chia thành từng phần nhất định chăm bón cho cây.
“Để có được công thức pha phân vi sinh phù hợp với các loại cây trồng phải tìm hiểu kỹ đặc điểm sinh trưởng từng loại cây và chất đất. Cây trồng cũng giống như con người. Ở giai đoạn ăn bột thì phải cho ăn bột. Nếu cứ nhìn thấy nhà này làm, nhà kia bắt chước làm theo thì cũng không mang lại hiệu quả, có khi lại làm cây không sinh trưởng được” - ông Phú cho hay.
Trong quá trình làm việc, nhiều người dân ở địa phương không tin rằng ông Phú sẽ thành công với mô hình này, có người bảo đó là ý tưởng điên rồ.
“Lúc đầu tôi làm ai cũng bảo làm như thế biết có thành công hay không, hay trồng công phu như thế rồi bán được mấy đồng…nhưng với mong ước đưa nông sản sạch đến với người tiêu dùng tôi quyết làm cho bằng được” - ông Phú kể lại.
Sau khi cây cho quả chín, để người tiêu dùng yên tâm với chất lượng sản phẩm hạt Sachi, chanh sạch, gia đình đã lấy mấy gửi đi các cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy các chỉ số về omega, canxi, protein đều đảm bảo; không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Nhờ vậy, sau 3 năm, đến nay với chỉ 100 gốc chanh dây, ông Phú có lợi nhuận hơn 20 triệu đồng; 5.000m2 cây sachi trồng từ năm 2018, ông có thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm…loại cây chủ lực đem lại nguồn thu lớn như sầu riêng đang sắp vào kỳ thu hoạch.
Mong ước xã Ea Bar thành vùng cây ăn trái hữu cơ
Sau khi thành công bước đầu ở vườn trái cây của mình, ông Phú bắt đầu chia sẻ những kinh nghiệm trồng cây hoàn toàn bằng chất hữu cơ cho nhiều bà con ở huyện miền núi này.
Cụ thể, vào năm 2019 ông Phú đã hỗ trợ hướng dẫn anh Trần Đình Mậu, trú xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) trồng hơn 2ha cây mắc ca xen với cà phê. Bước đầu, mắc ca của gia đình anh Mậu khi cung cấp ra thị trường được mọi người ưa chuộng, không có hàng để bán.
“Năm 2019, được sự giúp đỡ của ông Phú, tôi bắt đầu thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ trên diện tích 2ha cây mắc ca của gia đình. Sau 1 năm, tôi nhận thấy hiệu quả của mô hình. Theo đánh giá của nhiều khách hàng, sản phẩm mắc ca sạch tốt hơn so với sản phẩm cùng loại được trồng theo cách thông thường, nhờ đó mà sản phẩm làm ra bao nhiêu đều được khách hàng tiêu thụ sạch” - anh Mậu cho biết.
Hay vườn ổi của gia đình bà Phạm Thị Thúy ở buôn Trinh, xã Ea Bar cũng được ông Phú hướng dẫn sử dụng vi sinh và hữu cơ để chăm bón.
Nếu như trước đây ổi chỉ ra theo mùa thì nay cây cho trái quanh năm. Quả ổi ngọt, ít hạt lại được chăm sóc theo mô hình hữu cơ nên khách hàng ưa chuộng. Bình quân mỗi ngày bà Thúy có thu nhập từ 300 đến 500 nghìn đồng từ bán ổi.
Không chỉ chia sẻ với những người dân trong vùng, thông qua các phương tiện thông tin và mạng xã hội, ông Phú còn luôn nhiệt tình chia sẻ cách làm nông nghiệp hữu cơ cho nhiều nông dân khác ở các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Phước, Cần Thơ, Quảng Trị...
Ông Nguyễn Văn Khúc, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bar, nhận xét: “Ông Trần Ngọc Phú là nông dân sản xuất tiêu biểu của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn có khoảng 20 hộ dân từng bước áp dụng mô hình của ông Phú. Địa phương khuyến khích người dân áp dụng mô hình này để có giá trị kinh tế cao hơn và được người tiêu dùng chấp nhận”.
Với việc nhiều người dân cùng tham gia trồng nông sản sạch, vào tháng 8/2019 ông Phú và bà con đã thành lập Hợp tác xã Ea Bar Emi Farm. Hợp tác xã có 9 thành viên với diện tích đất canh tác hơn 50 hecta chủ yếu trồng các loại cây ăn trái, cây dược liệu…
Những tưởng thành lập được Hợp tác xã là sẽ thuận lợi trong hoạt động sản xuất nhưng sự thiếu vốn, thiếu năng lực điều hành... đã khiến hợp tác xã sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy người dân mong muốn có sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Yên để đưa xã Ea Bar thành vùng cây ăn trái hữu cơ.
Ông Phạm Trọng Yêm, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Yên cho biết: Định hướng phát triển của Hợp tác xã Ea Bar Emi Farm là rất tốt với nhiều dịch vụ. Nhưng hiện nay, Hợp tác xã chưa phải là thành viên của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Yên nên sự hỗ trợ còn hạn chế.
“Sắp tới, Liên minh Hợp tác xã sẽ có hướng dẫn để Hợp tác xã làm hồ sơ tham gia vào liên minh. Khi đó, Hợp tác xã sẽ nhận được nhiều hỗ trợ về khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực và tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển bền vững theo chuỗi giá trị...” - ông Yêm cho biết.