Ninh Bình:

“Phù thủy” giúp cây ra quả trái vụ, thu cả tỷ đồng mỗi năm

(Dân trí) - Đam mê nghề làm vườn, lão nông Trần Minh Sơn (Ninh Bình) tìm mua các giống cây ăn quả nổi tiếng, đem về tay chăm sóc cho ra quả trái vụ, thu cả tỷ đồng mỗi năm.

Lão nông có biệt tài nói trên là ông Trần Minh Sơn, trú tại xã Phú Long, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Ông Sơn là người nổi tiếng, được người dân trong vùng gọi là “phù thủy” chuyên chuyển hóa các loại cây ăn quả cả trong nước lẫn nước ngoài ra quả trái vụ.

Ông Sơn vốn sinh ra ở vùng đất chiêm trũng Lý Nhân (Hà Nam), từ nhỏ đã có đam mê làm vườn. Quê nhà không có đất rộng, năm 1994, ông tìm đến xã Phú Long thuê 32ha đất của nông trường Đồng Giao để thực hiện ước mơ.

Lão nông Trần Minh Sơn bên vườn cây nhãn sắp cho thu hoạch của gia đình.
Lão nông Trần Minh Sơn bên vườn cây nhãn sắp cho thu hoạch của gia đình.

Lão nông kể lại, những năm đầu kinh tế khó khăn, làm không đủ ăn nên gia đình ông phải nhượng lại 2/3 diện tích đất mới có kinh phí trang trải cuộc sống. Đam mê là thế, nhưng khó khăn cứ đeo bám. Có thời điểm ông định trở về quê Lý Nhân sinh sống.

Năm 2001, trong một lần về thăm quê, ông được một người quen giới thiệu mô hình trồng chuối tiêu hồng đang cho thu nhập cao. Chẳng suy nghĩ nhiều, ông đánh liều đưa 700 cây giống về trồng thử. May mắn mỉm cười, chỉ sau thời gian ngắn vườn chuối rộng gần 1ha cho thu quả, bán hết ông thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Có chút vốn, ông đầu tư tiền mua nhiều loại cây ăn quả đặc sản về trồng. Chỉ vài năm sau, gần chục ha đất gia đình ông được phủ màu bởi các loại cây ăn quả giá trị cao như: Mít tố nữ, ổi không hạt, đu đủ Thái Lan, hồng giòn…

Sau nhiều năm chăm sóc và nhân giống, vườn của ông Sơn đang có khoảng 20 loại cây ăn quả nổi tiếng ở trong nước và ngoài nước, như: Nhãn Thái Lan, nhãn Miền Thiết (Hưng Yên), nhãn tím (Sóc Trăng), ổi Đài Loan; ổi nữ hoàng Thái Lan; bưởi đỏ xứ Mường…

Nhiều loại cây ăn quả được ông Sơn bắt cho ra trái vụ bán với giá cao.
Nhiều loại cây ăn quả được ông Sơn bắt cho ra trái vụ bán với giá cao.

“Hơn chục năm qua tôi đã đi khắp nơi để đưa về các loại giống cây ăn quả nói trên. Loại dễ trồng tôi mua cả cây giống đưa về, loại khó thì mua mắt về ghép. Nhiều loại cây tôi vào tận miền Tây mua, còn những loại ở nước ngoài tôi phải nhờ người mua gửi mắt giống về sau đó tự ghép”, ông Sơn chia sẻ.

Khi được hỏi về cách chăm sóc các giống cây nhiều nơi, làm sao cho cây phát triển, hợp thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương, ông Sơn cười nói: “Cũng không có gì là khó cả, cách trồng, chăm sóc những loại cây đưa từ nơi khác về cũng chẳng khác là mấy so với cây địa phương. Loài nào khó, mình sẽ dùng mắt của giống cây ghép vào thân cây của địa phương, chăm sóc kỹ cây sẽ cho hoa, kết trái, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 4 - 6 lần giống cây bản địa”.

Đến nay, ông Sơn đã nhân giống thành công 17 lại cây ăn quả nổi tiếng khác nhau. Điều đặc biệt nhất ở lão nông được mệnh danh là “phù thủy” này chính là biệt tài “bắt” cây ra hoa, kết quả trái vụ. Đây chính là bí quyết mà ông không lo mỗi khi vào mùa thu hoạch sợ “được mùa mất giá” mà nhiều nông dân khác phải suy nghĩ.

Những đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế quê hương, ông Sơn đã được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba và nhiều bằng khen có giá trị khác.
Những đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế quê hương, ông Sơn đã được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba và nhiều bằng khen có giá trị khác.

Ông Sơn bật mí, để cây ra hoa quả trái vụ, người trồng phải có kinh nghiệm xử lý, chăm sóc cây cách đặc biệt, trong đó có công đoạn kích thích vào gốc và lá cho cây ra hoa kết quả trái vụ.

Việc cắt tỉa cành cũng phải được làm thường xuyên, những khâu kỹ thuật khác cũng phải được thực hiện vào từng thời điểm đối với mỗi loại cây khác nhau.

“Hiện nay nhiều mặt hàng nông sản khác trong đó có cây ăn quả thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa rớt giá”. Vì thế nông dân mình hay bị động, phụ thuộc vào thị trường nên có vụ được lãi có vụ ế ẩm, trắng tay. Nhờ cách xử lý để vườn cây ra hoa quả trái vụ mà gia đình tôi không lo bị ép giá. Quả bao giờ cũng bán được giá cao gấp đôi, gấp ba hơn khi thu hoạch chính vụ”, ông Sơn nói.

Ông Sơn lấy ví dụ, ổi vào mùa khi thu hoạch chỉ bán được từ 7 - 8 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, gia đình ông cho ra hoa, kết trái và thu hoạch vào dịp cuối năm thương lái đến thu mua giá gấp đôi, giá luôn giao động từ 16 - 18 nghìn đồng/kg. 3ha ổi trái vụ bán với giá cao, mỗi năm chỉ cần 1 vụ gia đình ông thu vài trăm triệu đồng là chuyện thường.

Ngoài thu nhập từ vườn cây giá trị cao, việc cho cây ăn quả ra hoa, đậu quả trái vụ, mỗi năm gia đình ông Sơn thu gần 1 tỷ đồng tiền bán hoa quả, bán cây giống và tư vấn kỹ thuật giúp nhiều bà con khác vươn lên làm giàu.

Những đóng góp trên của ông Trần Minh Sơn đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba; 2 năm liền (2013, 2014) được UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen; năm 2015 được nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”; mới đây ông là 1 trong 87 đại biểu của Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam 30 năm Đổi mới”.

Thái Bá