Phỏng vấn tìm việc: Đừng nói quá nhiều
Trong đợt tuyển dụng lao động cho công ty đầu năm nay, sau khi xem hồ sơ, tôi chọn được một ứng viên sáng giá vào vòng phỏng vấn.
Đó là một người đàn ông 30 tuổi, có kinh nghiệm trong công việc của vị trí ứng tuyển, viết chữ đẹp, biết cách diễn đạt để làm bật lên những ưu điểm của bản thân. Tôi quyết định đặt lịch phỏng vấn .
Cuộc phỏng vấn được bố trí lúc 9 giờ nhưng 8 giờ 45 phút, người ấy đã có mặt. Anh ta ăn mặc chỉn chu; phong thái khoan thai, nhẹ nhàng; nói năng lịch sự. Tuy chưa chính thức bắt đầu cuộc phỏng vấn nhưng tôi cho anh ta nhiều điểm cộng.
Sau phần làm quen, tôi đề nghị anh ta tự giới thiệu ngắn gọn về bản thân. Dù trong hồ sơ đã có nhưng khi đặt vấn đề này trực tiếp là tôi muốn xem xét kỹ năng trình bày trước đám đông của ứng viên. Có lẽ đã chuẩn bị kỹ nên ứng viên trình bày rất lưu loát. Anh ta nói những điểm mạnh của bản thân, minh họa bằng những thành công trong công việc nhờ những điểm mạnh đó. Về phần nhược điểm, anh ta cũng nói rõ, chỉ ra nguyên nhân, biện pháp khắc phục.
Sẽ không có gì đáng nói nếu phần tự giới thiệu ấy không vượt gấp 3 lần thời gian quy định. Tôi phải cắt ngang đến lần thứ tư, anh mới chịu ngừng. Sang những câu hỏi khác, cái bệnh dông dài, khoe chữ nghĩa của anh không chỉ làm tôi bực mình mà các vị giám khảo khác cũng khó chịu. Đặc biệt, đối với câu hỏi “điều gì ở công ty cũ khiến bạn không hài lòng” thì anh ta nói “tràng giang đại hải” khiến tôi liên tưởng đến sau này khi anh ta không làm chỗ chúng tôi nữa mà ứng tuyển vào một công ty khác, có lẽ khi nói về chúng tôi, anh cũng sẽ nói như vậy. Thế là tôi cho anh điểm trừ.
Kết quả là chúng tôi từ chối vị ứng viên ấy. Khi gửi mail trả lời cho anh, tôi hết sức phân vân vì không biết có nên nói rõ nhược điểm nói quá nhiều của anh hay không? Cuối cùng, tôi quyết định nói thật lý do vì sao chúng tôi từ chối nhận để anh có thể rút ra kinh nghiệm cho mình.
Đây không phải lần đầu tôi đánh rớt những ứng viên nói nhiều. Kinh nghiệm cho các bạn tìm việc là khi nhà tuyển dụng hỏi gì thì trả lời thẳng trọng tâm vấn đề, không nói ngoài lề, không nói thêm; đặc biệt, đừng cố diễn giải để nhà tuyển dụng hiểu nội dung mình muốn đề cập vì như thế chẳng khác nào chê người ta dốt nát.
Nói nhiều, thật ra là dở nhiều hơn hay.
Theo Báo Người lao động