Tìm việc qua phỏng vấn online
(Dân trí) - “Phiên GDVL online tạo hiệu quả kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động ở các tỉnh khác nhau. Thu hẹp khoảng cách và thời gian đi lại, mô hình này giúp 2 bên trao đổi và tìm kiếm thông tin việc làm bổ ích. Đây là xu hướng tuyển dụng của thời gian tới”.
Bà Vũ Thị Thúy Liễu - Phó Giám đốc Trung Tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) nhận định tại Phiên GDVL online hôm 19/5. Chương trình được thực hiện liên thông giữa các TT DVVL của 12 tỉnh, thành phía bắc.
Thu hẹp khoảng cách
Háo hức với những thông tin tuyển dụng online ở TT DVVL tỉnh Hà Nam, chị Hoàng Thị Lê Giang (27 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) đã tới TT DVVL Hà Nội từ đầu giờ để dự phỏng vấn. Lý do tìm việc ở KCN Đồng Văn (Hà Nam) với mức lương 7 triệu đồng, chị Hoàng Thị Lê Giang mong muốn được ở gần nhà.
“Dự phỏng vấn online, lúc đầu tôi cũng bỡ ngỡ khi ngồi trước máy tính và đeo tai nghe. Nhưng khi nhìn thấy nhà tuyển dụng qua màn hình, nghe thấy giọng nói của họ thì thấy giống như cuộc nói chuyện trực tiếp” - chị Hoàng Thị Lê Giang nói.
Theo chị Giang, cuộc phỏng vấn qua mạng cũng giúp người xin việc và nhà tuyển dụng có thể tìm hiểu đủ thông tin. Chị Hoàng Thị Lê giang nhận xét: “Tôi có thể tìm và phỏng vấn nhiều công ty hơn. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn chỉ là khởi đầu còn sau đó phải gặp trực tiếp công ty”.
Với anh Bùi Đức Cường (24 tuổi, quê ở Yên Bái), buổi phỏng vấn online còn là dịp để hiểu về mặt bằng lương của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Qua trao đổi online với doanh nghiệp ở Hưng Yên, anh Bùi Đức Cường yên tâm bởi doanh nghiệp có bố trí nơi ở và mức lương khởi điểm từ 6.000.000 đồng.
“Mức lương này giúp tôi có thể trang trải chi phí ban đầu. Khả năng tôi sẽ tới doanh nghiệp để trao đổi thêm” - ứng viên Bùi Đức Cường nói.
Theo bà Vũ Thị Thúy Liễu - Phó giám đốc TT DVVL Hà Nội, Phiên GDVL online thu hút sự tham gia của 12 TT DVVL phía bắc như: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Bình…“Phiên GDVL thu hút 188 doanh nghiệp với hơn 18.000 chỉ tiêu tuyển dụng và học nghề. Đây là cơ hội kết nối các doanh nghiệp và người lao động trong điều kiện đi lại còn khó khăn. Đồng thời, thông tin cung cấp của doanh nghiệp sẽ phần nào hỗ trợ định hướng tìm việc cho người lao động tỉnh khác” - Bà Vũ Thị Thúy Liễu nói.
Doanh nghiệp quan tâm
Dù mô hình còn khá mới mẻ nhưng cũng đã tạo được sự quan tâm của nhiều nhà tuyển dụng. Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phụ trách nhân sự Cty CP điện Ngân Hà (Hải Dương) cho biết: “Mô hình online qua TT DVVL có lẽ còn mới nên chưa nhiều người biết tới. Nhưng trong tương lai, xu hướng tuyển dụng online sẽ phát triển vì sự thuận tiện, hạn chế thời gian và tạo hiệu quả không nhỏ”.
Ứng viên dự phỏng vấn online tại Phiên GDVL online hôm 19/5 tại TT DVVL Hà Nội.
Đồng quan điểm trên, bà Trần Thị Hồng Nhung - cán bộ phòng hành chính nhân sự Cty CP nhựa Á Đông - cho biết: “Công ty đang cần tuyển lao động làm việc ở huyện Hoài Đức (Hà Nội). Thông qua Phiên GDVL online, chúng tôi không cần thiết phải đi tới nhiều địa bàn để trao đổi với người lao động. Qua mạng online, cán bộ tuyển dụng có thể trao đổi trực tiếp với người lao động ngoại tỉnh. Chưa kể việc hạn chế kinh phí đăng tin”.
Cùng tham gia tuyển dụng tại Phiên GDVL online, bà Đỗ Thị Phương Thúy - địa diện tuyển dụng của Công ty Thuận Phát (Hưng Yên) cho rằng nên tăng cường mô hình tuyển dụng online.
“Ngay sau khi có thông tin tuyển công nhân có lương khởi điểm từ 6-8 triệu đồng/tháng, địa điểm làm tại việc tại Hưng Yên, có xe đưa đón. Nhiều ứng viên ở các tỉnh đã quan tâm và đề nghị được phỏng vấn online” - bà Đỗ Thị Phương Thúy.
Theo đại diện Công ty Thuận Phát, mô hình tuyển dụng online bước đầu phù hợp với việc tuyển công nhân có yêu cầu không cao. “Qua hình ảnh trực tiếp với yêu cầu đơn giản, nhà tuyển dụng có thể trao đổi qua được và đánh giá ngay được ứng viên, ví dụ ở các vị trí công nhân cơ điện, công nhân kỹ thuật, nhân viên kỹ thuật. Còn các vị trí đòi hỏi trình độ cao hơn như kế toán hoặc kỹ sư cần có thêm bước đánh giá kỹ hơn” - bà Đỗ Thị Phương Thúy nói.
Để phát triển mô hình phỏng vấn online, bà Đỗ Thị Phương Thúy cho rằng, các TT DVVL cần nâng cấp đường truyền để đáp ứng được chất lượng cuộc phỏng vấn. Bên cạnh đó, các điểm phỏng vấn online cần chuẩn bị đủ thông tin về công việc và mức lương của nhà tuyển dụng để ứng viên đỡ mất thời gian hỏi thêm.
“Người lao động biết doanh nghiệp tuyển bao nhiêu vị trí và họ sẽ ứng tuyển vào vị trí nào phù hợp” - bà Đỗ Thị Phương Thúy nói.
Ý kiến người trong cuộc:
Tuyển dụng online giúp lao động miền núi biết thêm nhu cầu của doanh nghiệp ở tỉnh khác. Bà Bùi Thị Thảo - Giám đốc TT DVVL tỉnh Hòa Bình (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình): Dù việc tuyển online không đông đảo như việc phỏng vấn truyền thống nhưng hỗ trợ không nhỏ cho người lao động, doanh nghiệp. Mô hình này giúp người lao động trong tỉnh biết thêm về thông tin việc làmở các tỉnh khác, thay vì việc họ phải xem trên mạng hoặc đi xe khách tới các tỉnh khác.
Thông tin dù ở xa nhưng chính xác. Bà Trần Thị Khuyên - Trưởng phòng GTVL, TT DVVL Hải Dương (Sở LĐ-TB&XH Hải Dương). Các doanh nghiệp đánh giá: Kết nối online giúp doanh nghiệp và người lao động không phải đi lại nhiều. Đặc biệt, người lao động có thể tới các Phiên GDVL online và yên tâm với những thông tin chính xác về việc làm ngoài tỉnh. Hạn chế việc nhận các thông tin việc làm không được kiểm định đang tràn lan trên mạng.
TIN LIÊN QUAN:
Tháng 6/2016: TP HCM ước tính cần khoảng 25.000 nhân sự
Theo Trung tâm sự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP HCM (Falmi), dự kiến nhu cầu tuyển lao động của thành phố trong tháng 6/2016 có 25.000 người. Trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông 25%; Sơ cấp nghề chiếm 10%, Công nhân kỹ thuật - trung cấp chiếm 30%, Cao đẳng - đại học - trên đại học chiếm 35%.
Xét về ngành nghề, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm ngành như: Kinh doanh- bán hàng, Quản lý điều hành, Giáo dục đào tạo, Vận tải kho bãi xuất nhập khẩu, Công nghệ thông tin, Dệt may - giày da, Điện - điện tử, Công nghệ thực phẩm. Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Falmi, nhận định: “Thị trường lao động thành phố luôn diễn biến tình trạng mất cân đối về số lượng cũng như chất lượng trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề chuyên môn lành nghề và nhân lực. Điều này phản ánh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất - kinh doanh”.
Khảo sát của Falmi cho thấy, những nhóm ngành nghề sử dụng nhiều lao động có trình độ nghề cao chủ yếu thuộc nhóm ngành nghề công nghiệp trọng yếu và kinh tế dịch vụ. Trong tháng 5/2016, Falmi dự báo nhu cầu tìm việc tập trung ở các nhóm ngành như: Công nghệ thông tin (3,59%), cơ khí - tự động hoá (3,62%), vận tải kho bãi xuất nhập khẩu (5,59%), kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng (6,88%), Nhân viên kinh doanh - bán hàng(7,68%), hành chính văn phòng (9,02%), kế toán kiểm (18,27%)…
V.P
Đồng Nai: 4.700 xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 5/2016
Theo TT DVVL tỉnh Đồng Nai (Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai), trong tháng 5/2016, toàn tỉnh đã có tới trên 4.700 người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Kết quả trên đã đưa tổng số người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 5 tháng đầu năm lên tới hơn 14.300 người. Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, trong 5 tháng qua, số tiền chi cho công tác BHTN là 138,7 tỉ đồng cho trên 11.700 người đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Đánh giá của Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (TT DVVL Đồng Nai) cho thấy, mỗi tháng trung bình có từ 2.800-3.000 người tới đăng ký hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, trong đó 90% là lao động phổ thông. Người lao động đến làm thủ tục chủ yếu có độ tuổi từ 25-40 tuổi. Trong khi đó, độ tuổi ngoài 40 xin hưởng trợ cấp thất nghiệp không nhiều. Cũng theo đánh giá của TT DVVL Đồng Nai, trong 5 tháng đầu năm, TT DVVL đã hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của 479 trường hợp. Nhiều trường hợp có việc làm mới nhưng không khai báo mà vẫn tiếp tục nhận chế độ trợ cấp thất nghiệp. Hành vi này được coi là trục lợi chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên điều khó khăn cho các cơ quan chức năng là tới nay, hệ thống pháp luật vẫn chưa có chế tài để ngăn chặn hiệu quả tình trạng lạm dụng này.
Q.M
Hoàng Mạnh