Phiên chợ tiền tỷ ở huyện miền núi nghèo, tiền đếm bằng... bao tải

Công Bính

(Dân trí) - Chợ sâm Ngọc Linh mỗi tháng họp một lần, do chính quyền địa phương tổ chức để người trồng sâm bán trực tiếp đến người tiêu dùng. Mỗi phiên chợ, số sâm bán được lên đến hàng tỷ đồng.

Đầu tháng 8, khi hay tin có lễ hội sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, Quảng Nam, anh L.V.H.B. từ Thừa Thiên Huế đón xe vào tận nơi mua sâm về ngâm mật ong để bố mẹ dùng…

"Tôi mua sâm về tự làm, tự ngâm để bố mẹ uống cho yên tâm. Mua ngoài thị trường hên xui lắm", anh B. chia sẻ.

Vác bao tải... tiền đi chợ sâm ở huyện miền núi nghèo tại Quảng Nam (Video: Công Bính).

Ông Phạm Hùng, chủ cơ sở trồng sâm Ngọc Linh, tại thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, đã có 5 năm "bám" chợ sâm. Phiên chợ tháng này anh cũng mang đôi ký sâm của vườn nhà và một số sản phẩm liên quan đến sâm như sâm ngâm mật ong, trà sâm, rượu sâm… tới bán.

Ông Hùng cho hay, mỗi phiên chợ chỉ diễn ra 3 ngày, bình quân ông bán được 500 triệu đồng/phiên. Như vậy, nếu tham gia đủ 12 phiên chợ trong năm, doanh thu có thể đạt 5-6 tỷ đồng.

Phiên chợ tiền tỷ ở huyện miền núi nghèo, tiền đếm bằng... bao tải - 1

Cảnh mua bán sâm Ngọc Linh tại phiên chợ (Ảnh: Công Bính).

Chị Hồ Thị Mười (41 tuổi, người Xê Đăng, ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) là một trong những người trồng và mua bán sâm lâu nhất tại chợ. Từ năm 2015, chị đã khởi nghiệp với việc trồng và buôn bán sâm Ngọc Linh. Năm 2017, chị bắt đầu tham gia chợ phiên sâm Ngọc Linh, duy trì đều đặn đến nay.

Mỗi phiên chợ 3 ngày, chị Mười thường mang xuống 3-4kg để bán. Bà chủ người Xê Đăng cho biết, doanh thu mỗi phiên chợ đạt từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng, mỗi năm doanh thu của cơ sở đạt trên dưới 10 tỷ đồng.

"Doanh thu từ đầu năm đến nay của chúng tôi đạt 7 tỷ đồng", chị Mười không tiết lộ số lãi từ doanh thu đó, vì theo chị buôn bán sâm cũng vô chừng, giá thu mua sâm tại mỗi vườn vốn đã cao.

Những bao tải... tiền ở chợ sâm

Phiên chợ sâm núi Ngọc Linh diễn ra từ ngày 1-3 hàng tháng là sáng kiến của chính quyền huyện Nam Trà My nhằm tạo cầu nối giữa những người trồng sâm và người tiêu dùng.

Tại mỗi kỳ chợ phiên có hàng chục gian hàng của các cá nhân, đơn vị có sâm trồng ở Ngọc Linh đưa đến giao dịch. Bên cạnh sâm, người dân đồng bào Xê Đăng còn đưa các mặt hàng nông sản địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ đến giới thiệu cho người dân và du khách gần xa.

Để kiểm soát đầu vào, đảm bảo 100% sâm đều là thật, huyện Nam Trà My tổ chức một tổ giám định kiểm tra ngay tại cửa. Từng củ sâm bán tại chợ này, tổ kiểm định khẳng định đều xem xét, cân đo trước khi đưa vào giao dịch.

Mỗi phiên chợ thu hút cả chục nghìn lượt người đến tham quan, giao dịch với tổng lượng sâm được trao đổi, mua bán lên đến cả chục tỷ đồng.

Phiên chợ tiền tỷ ở huyện miền núi nghèo, tiền đếm bằng... bao tải - 2

Chị Hồ Thị Mười giới thiệu sâm Ngọc Linh tại quầy hàng của mình (Ảnh: Công Bính).

Nhiều người ở Hà Nội, TPHCM vác cả bao tiền đến để mua sâm. Cảnh trao đổi, mua bán và… đếm tiền ở chợ vui như hội.

Sâm có nhiều giá khác nhau, rẻ nhất cũng 30-40 triệu đồng 1 lạng. Gây chú ý nhất là những loại "sâm cụ", được giao dịch với mức giá đến hàng trăm triệu đồng mỗi kg. Tính trung bình, giá tại chợ này dao động 70-90 triệu đồng/kg.

Lá sâm cũng được bán với giá trên dưới 10 triệu đồng mỗi kg nhưng không phải lúc nào cũng có hàng để bán, vì mùa đông cây sâm rụng trụi lá. Những người trồng sâm cho biết, lá sâm nếu không cắt tỉa, để vào mùa rụng hết rất lãng phí.

Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho biết, từ ngày 1-3/8, huyện tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 6 năm 2024. Lễ hội đã thu hút hơn 10.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm và tham gia các hoạt động. Có hơn 50 gian hàng bày bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh và các sản phẩm OCOP đặc trưng miền núi.

Theo thống kê của ban tổ chức, doanh thu trong 3 ngày diễn ra lễ hội ước đạt hơn 7 tỷ đồng. Riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 70kg, thu về gần 6 tỷ đồng.