Phí môi giới việc làm tối đa tại CHLB Đức là 2.000 euro/người

(Dân trí) - “Lao động ngoài EU vào CHLB Đức cần có 3 điều kiện: Được cấp thị thực, hợp đồng học nghề hoặc làm việc và sự xác nhận cơ hội này không lấy mất việc làm của một công dân Đức hay EU. Phí môi giới việc làm tối đa 2.000 euro, học nghề không được thu phí”.

Các ứng viên được lựa chọn cho chương trình đào tạo điều dưỡng viên 

 Các ứng viên được lựa chọn tham gia chương trình điều dưỡng viên tại Đức thời gian qua

Ông Jochen Puth - Weissenfels, Vụ trưởng Vụ các ngành nghề chăm sóc sức khỏe, Bộ Kinh tế và Năng lượng, CHLB Đức - trao đổi trong Hội thảo hợp tác Việt - Đức trong lĩnh vực lao động nghề tại Viện Goeth (Hà Nội) vừa qua.

Giải thích cụ thể, ông Jochen Puth - Weissenfels cho biết, pháp luật của CHLĐ Đức về việc làm cơ bản giống các quy định của Liên minh Châu Âu (EU). Lao động ngoài EU muốn làm việc tại Đức cần có 3 điều kiện: Phải có 1 cơ sở pháp lý, tức là có Visa; có hợp đồng học nghề hoặc làm việc; xác nhận của phía Đức về việc cơ hội này không được chiếm mất việc làm của công dân Đức hoặc EU cụ thể.

Chuyên gia về lĩnh vực việc làm cho biết thêm, CHLB Đức có quy định cụ thể: Các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân không được lấy lệ phí môi giới việc làm cho lao động, dù là hình thức trực tiếp hay gián tiếp.

“Nếu phát hiện ứng viên từ Việt Nam phải trả tiền môi giới để được sang CHLB Đức để học nghề thì chúng tôi sẽ không cấp giấy phép cho người đó. Theo luật của CHLB Đức, người đã nộp tiền có thể kiện nơi đã thu tiền ra tòa để đòi lại số tiền” - ông Jochen Puth - Weissenfels cho biết.

Ông Jochen Puth - Weissenfels
Ông Jochen Puth - Weissenfels

Ông Jochen Puth - Weissenfels cho biết thêm: Phía CHLĐ Đức chỉ cho phép thu tối đa là 2.000 euro/lần trong trường hợp môi giới việc làm cho người đã qua đào tạo. Đây là mức phí cho những công việc có trình độ trung bình. Riêng với việc môi giới đi học nghề không được thu phí.

Việc các doanh nghiệp bỏ chi phí tìm kiếm thị trường, quảng bá thì đó là kinh phí của doanh nghiệp, không được lấy trực tiếp từ phía người lao động.

Theo ông Jochen Puth - Weissenfels, phía CHLB Đức có nguyên tắc: Người đi làm mới phải trả tiền, còn người đi học không phải trả tiền. Nhưng doanh nghiệp XKLĐ có quyền đòi phí môi giới ở nơi đào tạo học sinh của bạn. Tất nhiên, họ có thể trả hoặc không.

“Nếu bạn gặp một người nói cứ nộp tiền cho họ để làm Visa vào Đức, thậm chí mức phí trả tới 3.000-10.000 USD. Tôi khẳng định đó là sự phi pháp. Các bạn hãy yêu cầu họ phải đưa ra các chứng cứ: Cơ quan đào tạo cho tôi nghề điều dưỡng tên là gì? Cho tôi xem hợp đồng đào tạo? cho tôi xem chứng chỉ từ phía Đức xác nhận việc nơi tôi sắp học/làm việc không ảnh hưởng tới người Đức hay EU nào cả? Nếu bạn làm được như vậy, sự lạm dụng sẽ bị lộ ra” - ông Jochen Puth - Weissenfels cảnh báo.

Theo đánh giá của Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức, những lao động thông qua sự tuyển chọn của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và phía CHLB Đức đều đã có xác nhận đồng ý từ phía bên Đức. “Tôi không tin bên nào khác ở Việt Nam làm được điều có điều đó” - ông Jochen Puth - Weissenfels nói.

Hoàng Mạnh

 Thời gian qua, Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐ - TB&XH) đã kết hợp với phía CHLB Đức để triển khai việc đào tạo diều dưỡng viên Việt Nam làm việc tại CHLB Đức. Kết quả bước đầu đã đem lại nhiều khả quan. Hiện đầu mối duy nhất triển khai việc tuyển và đao tạo điều dưỡng viên Việt Nam làm việc tại CHLB Đức là Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐ - TB&XH).