Phê duyệt trường, ngành và nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020
(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH vừa phê duyệt ngành, nghề trọng điểm và trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 .
Về các ngành nghề, Bộ LĐ-TB&XH đã lựa chọn 134 ngành, nghề trọng điểm ở các cấp độ, trong đó 62 ngành, nghề cấp độ Quốc tế; 93 ngành, nghề cấp độ Khu vực ASEAN và 134 ngành, nghề cấp độ quốc gia.
Về trường nghề trọng điểm, Bộ LĐ-TB&XH đã chọn có 412 trường với 1.504 lượt ngành, nghề trọng điểm, trong đó có: 342 lượt ngành, nghề cấp độ Quốc tế; 293 lượt ngành, nghề cấp độ Khu vực ASEAN và 869 lượt ngành, nghề cấp độ Quốc gia.
Các trường được chọn được phân bố đều thuộc 6 vùng trên toàn quốc, như: Vùng trung du miền núi phía Bắc có 65 trường; Vùng Đồng bằng sông Hồng 130 trường; Vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung có 97 trường; Vùng Tây nguyên có 16 trường; Vùng Đông Nam bộ có 50 trường và Vùng Đồng bằng sông Cửu long có 53 trường.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), các ngành, nghề được lựa chọn đang được thị trường lao động cần với số lượng nhân lực lớn, phù hợp với yêu cầu phát triển nhân lực có tay nghề của ngành, địa phương và khoa học kỹ thuật hiện đại.
Các ngành, nghề được chọn cần được duy trì, bảo tồn hoặc khó thực hiện xã hội hóa, các nghề đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; Nhóm ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu.
Các nghề được ưu tiên như: Nhóm ngành, nghề về công nghệ, kỹ thuật, nông nghiệp, công nghiệp. Đặc biệt là những ngành, nghề phục vụ trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (thuộc các lĩnh vực như công nghệ thông tin; vật lý; sinh học); các ngành, nghề phục vụ nông nghiệp công nghệ cao và các ngành, nghề gắn với chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp...
Cũng theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, việc phê duyệt danh mục ngành, nghề trọng điểm là cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương và các trường thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, việc phê duyệt ngành, nghề trọng điểm theo hướng “mở”, tạo hành lang pháp lý, khuyến khích các trường nghiên cứu, đề xuất phát triển các ngành, nghề mới phục vụ phát triển nguồn nhân lực, khai thác vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của Cách mạng công nghiệp thứ 4...
Hoàng Mạnh