Phân luồng học sinh: Vai trò lớn trong chuyển đổi cơ cấu đào tạo nhân lực
(Dân trí) - “Hai nguyên nhân chính ảnh hưởng tới công tác phân luồng là việc mở nhiều trường trung học phổ thông (THPT), các trường trung cấp chuyển thành cao đẳng và chỉ tuyển học sinh tốt nghiệp từ THPT đã khiến học sinh sau khi tốt nghiệp THCS ít có cơ hội đi học trung cấp…”.
Tham luận của Vụ Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề (Ban Tuyên giáo trung ương) tại Diễn đàn Quốc gia về Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam hôm 16/11, đã nêu ra thực trạng và nguyên nhân của việc chưa triển khai hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau THCS vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Ngoài các lý do cơ bản nêu trên, tham luận của Vụ Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề (Ban Tuyên giáo trung ương) cũng phân tích sau hơn vấn đề. Theo đó để làm rõ hơn 2 nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn trong công tác phân luồng cần phân tích những luồng học sinh sau THCS.
Hiện nay, học sinh sau THCS được phân vào 4 luồng: Học tiếp lên THPT, học bổ túc THPT, học nghề hoặc trung cấp và tham gia thị trường lao động.
Phân luồng học sinh sau THCS vào THPT
Theo Vụ Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề, công tác phân luồng học sinh sau THCS luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, nhưng mục tiêu tăng tỷ lệ học sinh sau THCS đi học nghề đến nay vẫn còn rất hạn chế, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT năm học 1990 - 1991 là 40,3% đã tăng lên lên 80,4% vào năm học 2011 - 2012.
Thực tế này không chỉ diễn ra ở thành thị, đồng bằng, mà đó là tình trạng chung của cả nước. Cho đến nay, tỷ lệ học sinh sau THCS và THPT luôn giữ khoảng trên 85%. Ở các thành phố lớn, tỷ lệ này còn cao hơn đã công tác phân luồng học sinh sau THCS trong toàn quốc ngày càng thêm khó khăn.
Điều này cho thấy công tác phân luồng học sinh sau THCS không có sự chuyên biến mang tính tích cực.
Phân luồng học sinh sau THCS vào các trường dạy nghề và trung cấp
Trong các năm học 2010 - 2011 và 2011 - 2012, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT chiếm trên 70%; tỉ lệ tốt nghiệp THCS tham gia bổ túc THPT chiếm khoảng trên 8%, khoảng 2% đi học nghề.
Nhiều địa phương có tỉ lệ học sinh học xong THCS bỏ học, không tiếp tục học THPT hoặc trung cấp khá cao.
Theo Vụ Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề, từ năm 2006 đến năm 2013, công tác tuyển sinh trung cấp với học sinh THCS giảm dần, kết quả tuyển sinh chỉ đạt từ 15 - 20%, một số ngành không có học sinh đăng ký theo học.
Thực tế này vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng ngày càng ít trong các năm gần đây.
Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 đề ra mục tiêu là học sinh sau THCS vào GDNN chiếm tỷ lệ 30% vào năm 2020, có nghĩa là đến năm 2020, quy mô học sinh tốt nghiệp THCS vào hệ thống GDNN vào khoảng 320.000 -330.000 học sinh.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có chủ trương khuyến khích học sinh vừa học chương trình bổ túc THPT kết hợp với học nghề, nhưng chỉ có khoảng 8-10% học sinh sau THCS đi học nghề.
Từ thực tế về công tác phân luồng trong nhiều năm qua có thể nói rằng, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề là bất khả thi.
Vai trò to lớn của phân luồng học sinh sau THCS
Đối với Việt Nam hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề cao là hết sức cần thiết. Mục tiêu đề ra đến năm 2020, tỷ lệ học sinh sau THCS đi học nghề phải đạt ít nhất 30% mới đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động nước ta.
Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại, số học sinh sau THCS có nhu cầu đi học THPT để sau đó thi vào đại học và cao đẳng chiếm tỷ lệ cao.
Kết quả khảo sát về mong muốn của học sinh sau khi tốt nghiệp THCS cho thấy, tỷ lệ học sinh muốn vào học THPT chiếm khoảng hơn 80%.
Theo Vụ Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề, tỷ lệ học sinh muốn vào học trung cấp thấp (khoảng 8%) và có sự khác biệt giữa các tỉnh, thành phố.
Điều đó đã phản ánh mục tiêu đề ra về công tác phân luồng học sinh sau THCS sẽ không đạt được nếu không có giải pháp mạnh, dẫn đến nhiều cơ sở dạy nghề không tuyển được học sinh vào học, gây ra sự lãng phí rất lớn về cơ sở vật chất và nhiều giáo viên dạy nghề chán nản và bỏ nghề.
Hậu quả của việc không phân luồng được học sinh sau THCS là cơ cấu nhân lực của nước ta ngày càng bất hợp lý, không đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ phát triển của nền kinh tế - xã hội trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Do có một tỷ lệ khá lớn học sinh sau THCS vào học THPT nên đa số các ngành đào tạo trong trường trung cấp đáng ra chỉ cần tuyển học sinh sau THCS để đào tạo là phù hợp. Nhưng vì học sinh sau THPT đang có một số lượng khá nhiều, nên các trường trung cấp chỉ tuyển học sinh sau THPT, không tuyển học sinh sau THCS.
Phân tích của Vụ Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề, số học sinh tốt nghiệp THCS không được vào THPT (chiếm khoảng 15% hàng năm) sẽ không có cơ hội học tiếp các trường trung cấp. Tình trạng này càng làm trầm trọng thêm việc học sinh sau THCS không muốn đi học nghề mà tìm mọi cách để học THPT.
“Từ sự phân tích ở trên cho thấy, nếu vẫn cách làm cũ thì công tác phân luồng học sinh sau THCS đến năm 2020 và có thể lâu hơn nữa vẫn không đạt mục tiêu có 30% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề” - theo tham luận của Vụ Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề.
Nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào GDNN
Tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phối hợp đồng bộ cả hệ thống chính trị.
Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền và truyền thông.
Đổi mới cơ chế chính sách.
Xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, có chất lượng cao và cơ cấu hợp lý.
Tạo sự liên thông kiến thức cho học sinh học nghề.
Đổi mới công tác tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông.
Quy hoạch lại hệ thống giáo dục và nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Đổi mới công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu đào tạo và giải quyết việc làm cho người qua đào tạo đang thất nghiệp...
Hoàng Dũng