Phải xây dựng môi trường an toàn mới đưa người lao động vào làm việc
(Dân trí) - Chiều 24/11, tại Bạc Liêu, đoàn giám sát của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ VN và nhiều ban ngành đã có buổi làm việc về tình hình thực hiện chính sách pháp luật bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, về tình hình chấp hành quy định nội quy, quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại nơi làm việc; việc chấp hành quy định về chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người lao động; việc thực hiện quy định về quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ… cơ bản được thực hiện đúng quy định.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) rất ít, chủ yếu là vụ TNLĐ nhẹ hoặc gián tiếp; các vụ tai nạn được thực hiện điều tra đúng quy định.
Qua thống kê, từ 2017 - 2019, tổng số vụ tai nạn lao động trong tỉnh là 119 vụ; số vụ có từ 2 nạn nhân trở lên là 1 vụ; số vụ có nạn nhân tử vong là 118 người.
Đa số vụ TNLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động do người dân thiếu hiểu biết về kiến thức ATVSLĐ, không tuân thủ quy định về ATVSLĐ, bất cẩn trong quá trình lao động, sản xuất (nhất là sử dụng điện trong nuôi tôm) nên xảy ra TNLĐ rất nghiêm trọng.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, thống kê chưa đầy đủ đến cuối năm 2019, tỉnh có hơn 38.800 người tham gia (tăng 1,73% so với cùng kỳ) bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Cũng theo UBND tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2017 - 2019, Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu đã quyết định thực hiện 3 cuộc thanh tra về thực hiện pháp luật ATVSLĐ, bảo hiểm xã hội và bình đẳng giới tại 46 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, cơ quan thanh tra có hơn 50 kiến nghị về công tác ATVSLĐ để các cơ sở, doanh nghiệp khắc phục. Đồng thời, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 doanh nghiệp vi phạm với số tiền 24 triệu đồng.
Qua kiểm tra, chưa phát hiện có dấu hiệu vi phạm về pháp luật ATVSLĐ đối với lao động đặc thù (lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người tàn tật, lao động là người cao tuổi).
UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, khó khăn hiện nay là lực lượng làm công tác ATVSLĐ còn ít nhưng lại kiêm nhiều việc, trong khi đó yêu cầu công việc cho công tác này ngày càng nhiều; công tác phối hợp giữa các sở, ngành trong tỉnh được thực hiện khá chặt chẽ, nhưng đối lúc chưa thường xuyên, đồng bộ; kinh phí hoạt động còn hạn chế, nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ.
Tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), thành viên đoàn giám sát, đã ghi nhận tỉnh này thống kê được cả tai nạn lao động đối với người lao động không có hợp đồng, bởi đây là điểm mới.
Theo ông Thơ, khi thực hiện luật an toàn lao động năm 2015, trong đó có nguyên tắc xây dựng môi trường an toàn, nên yêu cầu doanh nghiệp phải kiểm soát được các mối nguy trước khi đưa người lao động vào làm việc.
"Chúng ta phải trả lời được câu hỏi là an toàn hay không an toàn thì mới đưa người lao động vào làm, chứ không phải là anh cứ làm việc đi, bị tai nạn chúng tôi có chế độ bồi thường.
Do đó, rất mong địa phương trên tinh thần nguyên tắc này phải được thực hiện quyết liệt trong công tác chỉ đạo về an toàn vệ sinh lao động", ông Thơ đề nghị.
Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cũng đề nghị địa phương bố trí nguồn lực tăng cường tuyên truyền về pháp luật ATVSLĐ, đặc biệt là đối tượng không có hợp đồng lao động. Như trong ngành nghề nuôi trồng thủy sản, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao, nên có hướng dẫn chi tiết cho người dân.
Cũng theo ông Thơ, dịch Covid-19 cũng là mối nguy trong môi trường làm việc, do đó lưu ý địa phương cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để người lao động ứng phó tốt nhất.
UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét sửa đổi Thông tư 25/TT-BLĐTBXH về bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho người lao động và ban hành Thông tư mới về danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho phù hợp.