Phải tinh giản cả người lao động trong bộ máy nhà nước
Ngày 17/4/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể. Trước đó, ngày 20/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2014/NĐ-CP về các chính sách tinh giản biên chế.
Theo đó, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021), từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội.
Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân, góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước ngày càng tinh gọn, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc bộ máy cồng kềnh, "phình to" không hẳn là do tăng hay giảm biên chế của một cơ quan, đơn vị cụ thể mà là do ở các cơ quan, đơn vị, các ngành, địa phương đều tuyển người lao động, tức là đối tượng làm việc không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước mà chỉ là hợp đồng dài hạn hoặc thời vụ, không chịu sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức mà là pháp luật về lao động.
Như vậy, tuy không phát sinh biên chế nhưng có thể phát sinh người lao động trong các cơ quan nhà nước, có khi là gấp đôi so với số lượng biên chế được cấp cho cơ quan, đơn vị cụ thể.
Có thể nhận thấy lực lượng lao động này phát sinh ở các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp có nguồn thu như phí, lệ phí hoặc nguồn thu hợp pháp khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép giữ lại một tỷ lệ phần trăm nhất định để chi cho hoạt động, trong đó có nội dung chi trả có người lao động tại cơ quan, đơn vị.
Đối với cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp không có nguồn thu từ phí, lệ phí hoặc không có nguồn thu hợp pháp khác mà hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước thì tiết kiệm từ các nguồn như: chi thường xuyên, cân đối từ nguồn chi đặc thù hoặc tiết kiệm từ nguồn sử dụng chỉ tiêu biên chế được giao (ví dụ: Đơn vị A được giao chỉ tiêu 30 biên chế nhưng chỉ sử dụng 28 biên chế. 02 biên chế còn lại dùng để trả lương cho 4 đến 5 người lao động tại đơn vị này).
Do đó, lực lượng người lao động là gánh nặng đối với bộ máy nhà nước trong thời gian tới, bởi lực lượng lao động này rất khó chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều nguyên nhân khác nhau: một là, do khối lượng công việc cơ quan nhà nhà nước lớn, cần lượng lao động để làm việc, hai là, lực lượng lao động này thường là người thân quen trong cơ quan nhà nước với nhau, ba là, có thể đầu vào của lực lượng lao động này có dấu hiệu tiêu cực (tức là bỏ tiền để được việc).
Như vậy, đồng thời với việc giảm tối thiểu 10% biên chế đến năm 2021, các cơ quan nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ nguồn lao động có thể phát sinh, tăng thêm trong thời gian tới làm cho chính sách tinh giản biên chế bị biến tướng, không hiệu quả mà bộ máy nhà nước thì ngày càng cồng kềnh, "phình to".
Theo Đỗ Văn Nhân- Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum/Báo Lao động