PG, PB thời vụ Tết: Việc nhẹ, lương cao
"Những ngày gần Tết, số lượng sự kiện không tăng nhiều nhưng các bạn sinh viên về quê sớm khiến việc tuyển dụng nhân viên quảng cáo sản phẩm (PG, PB) rất khó khăn" - anh Nguyễn Đăng Minh, nhân viên giám sát chương trình quảng cáo (SUP), cho biết.
Tuyển không ra người
Theo anh Minh, thông thường, sau khi đăng tin tuyển dụng trên các nhóm, cộng đồng dành cho người tìm việc PG, PB thì số lượng ứng viên ứng tuyển rất nhiều nên tìm đủ người rất nhanh. Tuy nhiên, trong những sự kiện Tết, anh phải nhờ bạn bè, người quen giới thiệu thêm nhân viên do không tìm đủ người theo yêu cầu của các chương trình.
Nguyễn Đình Hiền, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, khá rụt rè khi khách hàng đến nhờ tư vấn về chương trình khuyến mãi trong một sự kiện Tết. Hiền cho biết chưa có ý định đi làm thêm và đang chuẩn bị về quê đón Tết cùng gia đình nhưng một phụ nữ quen nhờ hỗ trợ vì thiếu nhân sự. "Em ngại đi làm lắm, sợ người ta hỏi mà không biết trả lời sao nhưng chị ấy năn nỉ quá. Công việc này giúp em tiếp xúc nhiều người. Đến ngày thứ 2 đi làm, em thấy mình bớt lúng túng hơn" - Hiền bày tỏ.
Công việc của Hiền là căn cứ theo hóa đơn mua tã của khách hàng, nếu đủ tiêu chuẩn thì hướng dẫn khách quay vòng quay trúng thưởng, ghi nhận thông tin và phát quà. Theo Hiền, dù công việc này khá nhẹ nhàng nhưng nhận được mức lương khá cao (30.000 đồng/giờ).
Tiền lương tăng
Vóc người nhỏ bé, giọng Huế đặc trưng, Lê Thị Diệu Hương - sinh viên năm 2 Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, đang làm PG cho một công ty cà phê tại Co.opmart - cho biết: "Công việc PG không khó, chỉ cần mình được đào tạo, hiểu sản phẩm thì sẽ làm được. Tuy nhiên, một số sự kiện đòi hỏi PG phải có chiều cao, giọng nói. Giọng của em đáng lẽ không đạt tiêu chuẩn nhưng chương trình này cần nhiều người nên em mới được nhận". Mức lương của Hương ở sự kiện này là 130.000 đồng/ca 6 giờ.
Theo thông tin chia sẻ từ các bạn PG, tiền lương vào những ngày giáp Tết tăng so với ngày thường. Khi được hỏi về kinh nghiệm để tìm được công việc PG thời vụ mà không rơi vào bẫy đa cấp hoặc lừa lao động, Nguyễn Thị Trúc Linh, sinh viên năm 3 Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết: "Em là sinh viên ngành thị trường bất động sản. Công việc sau khi ra trường chắc chắn đòi hỏi khả năng giao tiếp, gặp gỡ khách hàng nên từ năm nhất, em đã định hướng sẽ làm PG thời vụ để rèn luyện kỹ năng này, tính đến nay đã được 3 năm. Để không bị lừa đảo, các bạn nên xem kỹ thông tin tuyển dụng. Các bạn chỉ liên hệ với các đơn vị có thông tin rõ ràng như tên công ty, thời gian, địa điểm làm việc, mức lương và số điện thoại liên hệ trực tiếp".
Theo Báo Người lao động