1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cần Thơ:

Ông thợ "dị nhân" vốc ong bỏ đầy miệng mà không sợ bị đốt

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Nghề nuôi ong lấy mật gia công giúp ông Trung có thu nhập ổn định. Người đàn ông này có biệt tài bỏ ong vào miệng, để ong bám khắp mặt...

Đam mê bắt ong từ nhỏ, thuở đó ông Trịnh Phước Trung (nay 60 tuổi, ngụ tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, Cần Thơ) thường đi bắt những tổ ong mật trong cột điện, cành cây, hốc kẹt... về nuôi. 

"Lúc nhỏ bị ong đánh cũng sợ lắm nhưng không hiểu sao tôi lại yêu thích chúng đến thế. Bắt ong về rồi bỏ vô thùng gỗ nuôi, nhìn chúng xây tổ, kết mật tôi lại càng mê mẩn hơn", ông Trung kể. 

Mục sở thị "dị nhân" bỏ ong vô miệng không sợ bị đốt (Clip: Bảo Kỳ).

Vô số lần bị ong chích, có khi mặt mày sưng vù, tay chân sưng vù nhưng ông Trung vẫn không e ngại. Ông bảo: "Sưng vài bữa rồi hết nhưng tổ ong không đem về, lỡ chúng dời đi rồi sao".

Ông thợ dị nhân vốc ong bỏ đầy miệng mà không sợ bị đốt - 1
Ông thợ dị nhân vốc ong bỏ đầy miệng mà không sợ bị đốt - 2

Ông Trịnh Phước Trung biểu diễn biệt tài có một không hai "bỏ ong vô miệng" (Ảnh: Bảo Kỳ).

Và cứ thế, từ niềm yêu thích cá nhân, ông Trung bắt đầu nuôi ong gia công cho các hộ có điều kiện. Ban đầu ông nuôi vài thùng ong nhưng đến nay đã tăng số lượng hơn 200 thùng/năm.

Nhờ công việc này đem lại cho ông thu nhập từ 150 triệu đồng/năm, đủ trang trải cuộc sống gia đình. Còn về biệt tài bỏ ong vô miệng do ông Trung làm lâu năm nên đàn ong "quen hơi" không chích. 

Để kiểm chứng điều này, ông Trung dẫn chúng tôi đến vườn nhà ông Trần Hoàng Anh (ngụ phường Trường Lạc, quận Ô Môn), nơi ông Trung đang nuôi ong lấy mật cho chủ vườn. 

Ông thợ dị nhân vốc ong bỏ đầy miệng mà không sợ bị đốt - 3

Ông Trung hành nghề nuôi ong lấy mật gia công từ năm ngoài 20 tuổi (Ảnh: Bảo Kỳ).

Rảo bước vài vòng kiểm tra hơn chục thùng chứa ong, ông Trung dừng lại một thùng ong cạnh bụi tre. Ngoài thùng, một bầy ong hàng trăm con đang đậu lúc nhúc. Bất ngờ ông Trung nói lớn: "Mấy cô, chú coi kỹ tôi đếm tới ba sẽ lấy ổ ong này bỏ vô miệng". 

Vừa dứt lời, ông Trung đưa tay hốt liên tục 3 nắm ong cho vào miệng. Đàn ong bị "động ổ" bay tứ tung, vọt ra khỏi miệng ông Trung. Đợi ong bay đi hết, ông Trung mới nói: "Thấy chưa, bỏ ong vô miệng như thế nhưng không có con nào chích tôi cả". 

Ông thợ dị nhân vốc ong bỏ đầy miệng mà không sợ bị đốt - 4

Giống ong thường nuôi là ong Ý, ong rừng, ong nội địa... (Ảnh: Bảo Kỳ).

Trong lúc "thử nghiệm" bỏ ong vô miệng, ông Trung không mặc đồ bảo hộ, đeo bao tay, lưới đội đầu gì. Bật mí bí quyết, "dị nhân" Trịnh Phước Trung cho biết, do ông thường xuyên đến vườn chăm sóc đàn ong nên chúng "quen hơi" mình rồi. 

"Lúc bỏ ong vô miệng cũng thật nhẹ nhàng, chậm rãi, đàn ong không thấy nguy hiểm chúng sẽ không chích mình", ông Trung vừa đậy nắp thùng ong vừa giải thích. 

Ông thợ dị nhân vốc ong bỏ đầy miệng mà không sợ bị đốt - 5

Mật ong ngon nhất vào mùa khô, khoảng tháng 11 bắt đầu mùa thu hoạch mật ong kéo dài đến qua Tết. Mỗi thùng ong cho năng suất từ 500ml đến 1 lít mật (Ảnh: Bảo Kỳ).

Thoạt nhìn thì dễ nhưng đến cả người nuôi ong trên 10 năm như ông Hoàng Anh cũng không dám thực hiện thử thách như ông Trung. Ông Hoàng Anh cho hay, mỗi ngày ông ra vườn thăm đàn chỉ để ý thấy khi trời sáng chúng nó bay đi kiếm ăn, đến chiều bay về tổ. 

"Mỗi tháng ông Trung đến kiểm tra các thùng ong vài lần. Thùng nào giảm số lượng ong thì ông Trung bắt ong thêm vào. Mật ong này nuôi theo kiểu tự nhiên, không cho ăn nên mật đặc biệt ngon. Số lượng tuy ít nhưng bán được giá cao", ông Hoàng Anh nói. 

Ông thợ dị nhân vốc ong bỏ đầy miệng mà không sợ bị đốt - 6

Du khách đến vườn thưởng thức mật ong tự nhiên (Ảnh: Bảo Kỳ).

Được biết, khi thu hoạch, mỗi thùng ong mật của ông Trịnh Phước Trung nuôi gia công có thể đạt từ 500ml đến 1 lít mật ong tùy vào từng mùa mưa hay nắng. Bình quân mỗi thùng ong, ông Trung được trả công từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Video, hình ảnh trong bài viết thể hiện khả năng của nhân vật, quý độc giả vui lòng không làm theo.