Ông chủ hợp tác xã "nghiện"... nấm
Trước khi đến với nghề nấm, anh Nguyễn Văn Nhi (36 tuổi, ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đã làm nhiều nghề để kiếm sống.
Thế nhưng, thấy nhiều người trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh bắt tay làm theo và “nghiện” từ lúc nào không biết.
Học theo người khác để làm giàu
Ban đầu, anh mua 2.000 bịch nấm bào ngư về trồng thử nghiệm trên diện tích 25m2. Sau 2 tháng, có nấm, anh Nhi đến các chợ tại địa phương để tiếp thị sản phẩm, thu về lợi nhuận trên 10 triệu đồng.
Sau đó, anh tiếp tục mở rộng diện tích lên 120m2. Tuy nhiên lần đầu tư này hiệu quả không cao do việc chăm sóc, ươm bịch chưa đúng cách do chưa có kinh nghiệm.
Không nản chí, năm 2014, tại xã có lớp dạy trồng nấm cho nông dân, anh đã tham gia học 3 tháng. Ngoài ra, anh tiếp tục đi học hỏi ở những mô hình trồng nấm hiệu quả trên địa bàn.
Có chút kinh nghiệm, anh bắt đầu nhân rộng mô hình nấm, tiếp tục mò mẫm, học hỏi các kỹ thuật trồng nấm linh chi và vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển mô hình.
Năm 2015, anh thành lập HTX nấm Nhơn Phước (Hòa Nhơn) kêu gọi 8 thành viên tham gia HTX sản xuất do anh làm giám đốc để mở rộng quy mô sản xuất và tăng tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Ngoài diện tích tại nhà 300m2, hiện mô hình đã mở rộng quy mô sản xuất lên diện tích gần 2.000m2 tại xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang), trong đó đầu tư cơ sở hạ tầng trồng nấm thêm 400m2. Với diện tích trồng 700m2, mỗi năm anh trồng 2 đợt nấm linh chi và nấm dược liệu.
Riêng nấm bào ngư treo bịch gối đầu quanh năm trên 28.000 bịch phôi. Ngoài ra, mỗi năm, anh còn cung cấp trên 100.000 bịch phôi giống cho hộ nông dân trên địa bàn thành phố và tỉnh Quảng Nam.
Thành công nhờ sáng tạo riêng
Mô hình sản xuất nấm của anh Nhi không mới, nhưng điểm khác biệt và sáng tạo của anh là sử dụng các thiết bị máy móc tự động tưới nấm nhằm giảm chi phí chăm sóc.
Cùng với đó, mô hình cũng được sự hỗ trợ của các cấp các ngành thành phố đưa thiết bị máy móc tự động vào sản xuất như máy sấy nấm, máy hấp bịch phôi nấm tự động, nhà nuôi trồng nấm ứng dụng công nghệ cao và dây chuyền đóng bịch phôi nấm bán tự động...
Anh Nhi cho biết, nấm bào ngư giá bán trung bình 35.000 đồng/kg, nấm linh chi, nấm dược liệu dao động từ 800.000-1.000.000 đồng/kg. Năm 2017, HTX đạt doanh thu 800 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lãi gần 400 triệu đồng. Tính riêng anh Nhi mỗi năm "bỏ túi" 120 triệu đồng.
"Đầu ra cho sản phẩm HTX cũng đang liên hệ với các doanh nghiệp tìm hướng ra ổn định để giải quyết đầu ra của sản phẩm. HTX cũng cố gắng để cho các thành viên nâng cao thu nhập. Năm 2018 HTX cũng đầu tư về cơ giới hóa trong sản xuất là dây chuyền đóng bịch phôi nấm tự động và hệ thống tưới nhà xưởng, ứng dụng các tiến bộ khóa học kỹ thuật" - anh Nhi nói.
HTX Nấm Nhơn Phước tạo việc làm cho nhiều thành viên với thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Bà Lê Thị Khánh (ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) cho biết: "HTX tạo điều kiện cho chúng tôi làm ăn ổn định, thu nhập tăng. Nhờ đó gia đình không khó khăn như ngày xưa nữa".
Hiện nay, trên địa bàn Tp.Đà Nẵng có gần 20 HTX trồng nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi... Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân TP.Đà Nẵng đã giúp đỡ hàng ngàn lượt hộ vay vốn trồng nấm. Các ngành chức năng thành phố cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng nấm cho người dân, qua đó nhiều gia đình đã thoát nghèo bền vững.
"Nghề trồng nấm đầu ra khá tốt và giá tiêu thụ ổn định, giúp cho bà con nông dân trên địa bàn huyện Hòa Vang có nguồn thu nhập thường xuyên để hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ gia đình đầu tư trồng nấm với quy mô khá lớn. Trung bình, một lao động trồng nấm thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng" - ông Đặng Văn Hồng - Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm TP.Đà Nẵng nói.