Thanh Hóa
Ông chủ 8X thu nửa tỷ đồng mỗi năm sau nhiều lần "khuynh gia bại sản"
(Dân trí) - Sau nhiều lần thất bại, phải trả "học phí" đến khuynh gia bại sản, anh Tuấn đã thành công trong việc nuôi đông trùng hạ thảo, thu về nửa tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho gần chục lao động.
Thất bại nhưng không từ bỏ đam mê
Từng tốt nghiệp Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1985, thị trấn Nga Sơn, Thanh Hóa) luôn mơ ước sẽ khởi nghiệp và làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Một lần tham quan cơ sản xuất đông trùng hạ thảo tại địa phương khác, anh Tuấn nhận thấy tiềm năng của sản phẩm này rất lớn. Trong khi đó, sản phẩm ngoài tự nhiên có giá đắt nên ít người có thể mua được.
Năm 2016, anh Tuấn bắt đầu nghiên cứu thử nghiệm và lên mạng tìm tòi thông tin, cách thức nuôi loại nấm này. Đến năm 2017, anh quyết tâm thực hiện. Ban đầu, anh vay mượn để xây dựng phòng nuôi tiêu chuẩn, mua nồi hấp và các dụng cụ liên quan. Tuy nhiên, khởi đầu của anh Tuấn không mấy suôn sẻ khi hết thất bại này đến thất bại khác.
"Khoảng thời gian gần Tết Nguyên đán năm 2018, tôi bị hỏng cả nghìn bình sản phẩm, thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, lẻ tẻ trong những năm đầu, liên tục mất vài chục bình, có thời điểm cả trăm bình do nhân nuôi thất bại. Càng thất bại, tôi càng cố làm cho bằng được nhưng ngặt nỗi lúc đó vốn không có. Tôi phải vay mượn khắp nơi, thậm chí vay lãi để tiếp tục", anh Tuấn kể lại.
Anh Tuấn nhận ra việc nuôi cấy phôi đông trùng hạ thảo trên nhộng tằm thất bại nhiều nhất do chưa tìm ra cơ chế cho con nhộng duy trì sự sống ở tình trạng "chết lâm sàng" trong 7 ngày.
Sau khi tìm ra được nguyên nhân thất bại, anh Tuấn anh đã biết cách điều chỉnh thay đổi nhiệt độ, cường độ ánh sáng, chế độ dinh dưỡng.
Thu nhập "khủng", tạo việc làm cho lao động
Đến năm 2019, anh Tuấn mở rộng phòng nuôi với quy mô sản xuất 30.000 bình đông trùng hạ thảo mỗi tháng. Cơ sở của anh còn sản xuất được nhiều loại đông trùng hạ thảo từ các loại phôi khác nhau.
Theo anh Tuấn, để sản xuất đông trùng hạ thảo có chất lượng tốt, anh dùng nhộng tằm, gạo lứt cao cấp, các loại vitamin được trộn lẫn, nghiền nhỏ và đưa vào nồi hấp ở 121 độ C, sau đó được làm nguội, cấy giống và duy trì độ ẩm 95% trong phòng nuôi. Đông trùng hạ thảo sẽ cho thu hoạch sau 65-70 ngày.
Hiện cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo của anh Tuấn cho thu nhập 500-600 triệu/năm, tạo việc làm cho 8 lao động với mức lương 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình sản xuất đông trùng hạ thảo của anh Nguyễn Văn Tuấn đã đoạt giải Nhì cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa năm 2021" và được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về thành tích trong chương trình mỗi xã một sản phẩm
Để đáp ứng được thị hiếu đa dạng của khách hàng, anh Nguyễn Văn Tuấn đã nghĩ ra nhiều cách để làm phong phú sản phẩm.
Ngoài đông trùng hạ thảo tươi, anh còn đầu tư mua máy sấy lạnh để chế biến đông trùng hạ thảo khô, ngâm mật ong đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo chưng tổ yến, rượu đông trùng hạ thảo...
Cơ sở của anh Tuấn hiện có 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian tới, ông chủ 8x này kỳ vọng sẽ đưa được sản phẩm của mình xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.
Đồng thời, anh sẽ hướng dẫn thanh niên trên địa bàn chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất để cùng vươn lên thoát nghèo.
Theo chị Dương Thị Thoa, Bí thư Huyện Đoàn Nga Sơn, anh Tuấn là một trong những gương thanh niên tiêu biểu, truyền cảm hứng khởi nghiệp, lập nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương.
"Thời gian tới, Huyện Đoàn Nga Sơn sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cấp, các ngành tạo môi trường, động lực cho các bạn đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp sản xuất các sản phẩm từ tự nhiên, qua đó vươn lên thoát nghèo", chị Dương Thị Thoa cho biết.