Kon Tum:
"Ôm mộng" với quốc bảo sâm Ngọc Linh, người dân "ôm nợ" khóc ròng
(Dân trí) - Nhiễm bệnh nấm, hàng chục nghìn cây sâm Ngọc Linh ở các huyện miền núi tỉnh Kon Tum chết hàng loạt. Nhiều hộ dân mang nợ hàng trăm triệu vì vay vốn để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh.
Ngày 14/6, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum xác nhận đã kiểm tra và phát hiện tình trạng cây sâm Ngọc Linh một năm tuổi bị chết hàng loạt trên địa bàn 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông.
Cụ thể, huyện Đăk Glei có trên 13.500 cây sâm một năm tuổi do các hộ dân ở 2 xã Ngọc Linh và Mường Hoong trồng. Hiện có hơn 2.000 cây đã chết, số còn lại khoảng hơn 11.000 cây, tỷ lệ bị nhiễm bệnh khoảng 35-40%.
Tại huyện Tu Mơ Rông, theo thống kê bước đầu, có hơn 29.000 cây sâm Ngọc Linh bị chết.
Các cây sâm Ngọc Linh một năm tuổi bị bệnh chết thường biểu hiện như vàng lá, teo thắt phần thân tiếp giáp với mặt đất, xuất hiện vết đốm hoặc chấm dạng nước nằm trong phiến lá hoặc mép lá…
Nguyên nhân gây bệnh được xác định là do nấm Rhizoctonia solani và nấm Phytophthora sp gây ra.
Ước tính thiệt hại với vườn sâm Ngọc Linh khoảng 10 tỷ đồng.
Nhiều tháng nay, anh A Chung (làng Kon Dơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) như ngồi trên đống lửa vì hàng nghìn cây sâm Ngọc Linh nhà trồng chết bất thường. Sau những trận mưa dài, loạt sâm 1-4 năm tuổi đều bị héo dần rồi chết.
Anh Chung cho biết: "Gia đình đã vay hơn 150 triệu đồng từ ngân hàng chính sách để đầu tư mua hạt giống sâm Ngọc Linh về trồng trên đỉnh núi cao hơn 2.000m. Đầu năm, sâm đang phát triển đẹp, cao 5-10cm. Từ đầu tháng 4 trở đi, sâm bắt đầu có dấu hiệu vàng lá rồi chết dần".
"Trước đó, gia đình tôi trồng hơn 3.000 cây sâm Ngọc Linh có độ tuổi 1-4 năm. Do ảnh hưởng thời tiết và bệnh nấm nên hơn 1.500 cây sâm 1-2 tuổi lần lượt chết trắng. Số tiền đầu tư vào trồng sâm của gia đình tôi đều là vay ngân hàng chính sách xã hội. Giờ sâm chết hết, không biết lấy gì để trả nữa", anh A Chung chán nản nói.
Tương tự, anh Thuất (làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) kể: "Kỳ vọng loại cây thoát nghèo, cây "tỷ phú", đầu năm 2021, gia đình tôi làm thủ tục và được vay 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách. Sau đó, chúng tôi đã dùng số tiền này mua 1.000 hạt giống sâm Ngọc Linh về trồng. Thấy sâm phát triển tốt, cả nhà rất vui mừng. Tuy nhiên, hơn một tháng nay, đã có đến 500 cây trong số này chết một cách bất thường. Số sâm còn lại cũng đang chết dần, chết mòn".
Theo thống kê ban đầu, trên địa bàn xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) có hơn 263 hộ dân với hơn 20.000 cây sâm Ngọc Linh bị chết trong đợt nấm bệnh vừa qua.
Hiện UBND xã Măng Ri đang tiếp tục rà soát để nắm thông tin số tiền người dân vay vốn từ các ngân hàng đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, qua đó đề xuất phương án hỗ trợ người trồng gặp rủi ro.
Đại diện UBND huyện Tu Mơ Rông thông tin, tình trạng các cây sâm Ngọc Linh bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt chỉ mới xảy ra trong năm nay. Các cây sâm bị chết đều rơi vào diện tích người dân tự đầu tư trồng. Tính theo giá thị trường hiện tại khoảng 300.000 đồng/cây, số thiệt hại kinh tế với các hộ dân địa phương rất lớn.
Để giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, huyện đang kiến nghị các ngân hàng có chính sách giãn nợ, khoanh nợ cho các hộ dân đã vay tiền ngân để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh.
"Chính quyền địa phương đã khuyến cáo, hướng dẫn các giải pháp bước đầu cho bà con để giảm thiệt hại như che bạt, tạo rãnh thoát nước, ủ mùn. Đối với những nơi bị nặng, chính quyền hướng dẫn thì di dời cây khỏi vùng bệnh", đại diện UBND huyện Tu Mơ Rông thông tin.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, kiểm soát sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh.
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp Sở KH-CN và các cơ quan đơn vị có liên quan kịp thời có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh.
Tỉnh đồng thời yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, tham vấn, trao đổi kinh nghiệm tổ chức trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh của Quảng Nam để có giải pháp hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo khác với 2 Sở, ngành là thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, phương pháp trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện có hiệu quả.
UBND tỉnh Kon Tum cũng chỉ đạo UBND 2 huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei quản lý chặt chẽ nguồn gốc giống sâm Ngọc Linh đảm bảo và an toàn với dịch bệnh. Không để tình trạng mua bán giống sâm Ngọc Linh không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng xảy ra trên địa bàn, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.