1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Ðối tượng nào bị ảnh hưởng khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế?

Theo Thông tư Liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện (BV) trên toàn quốc do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội VN, Bộ Tài chính đang xây dựng, dự tính ban hành vào tháng 11/2015.

Dự kiến sẽ có khoảng 1.800 dịch vụ y tế điều chỉnh giá. Xung quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm này, phóng viên đã trao đổi với ThS. Nguyễn Nam Liên,  Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế...


ThS. Nguyễn Nam Liên.

ThS. Nguyễn Nam Liên.

PV: Thưa ông, thông tin tới đây 1.800 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh giá khiến dư luận rất quan tâm, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

ThS. Nguyễn Nam Liên: Theo thông tư sắp ban hành, khoảng 1.800 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá, bao gồm: giá khám bệnh (theo hạng BV); giá ngày giường (theo hạng BV và chuyên khoa) và giá dịch vụ kỹ thuật, nhóm kỹ thuật (áp dụng chung cho các hạng BV).

Bên cạnh đó, 26 loại hình dịch vụ y tế với hàng chục ngàn hạng mục thuộc các chuyên ngành: hồi sức cấp cứu, chống độc, nội khoa, nhi khoa, ngoại lao, da liễu, tâm thần, nội tiết, ngoại khoa, bỏng, ung bướu, phụ sản, tạo hình thẩm mỹ, nội soi... được kết cấu giá theo mức phẫu thuật, thủ thuật loại đặc biệt, loại I, II và III.

Theo Thông tư này, người dân có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả cùng một mức giá dịch vụ khám chữa bệnh của các BV cùng hạng trên toàn quốc. Giá dịch vụ này bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật).

Thông tư trên trước mắt chỉ áp dụng thanh toán cho bệnh nhân BHYT. Đối với người không có thẻ BHYT - chủ yếu là người lao động tự do, nông dân, diêm dân và người cận nghèo (chiếm gần 30% dân số) - vẫn áp dụng mức giá đang thực hiện nên không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến tháng 3/2016, giá khám chữa bệnh bao gồm cả tiền lương của nhân viên y tế sẽ được thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

PV: Vậy khi thông tư này ban hành, các địa phương có còn tự quyết khung giá viện phí như hiện nay không, thưa ông?

ThS. Nguyễn Nam Liên: Nếu trước đây, Bộ Y tế chỉ ban hành khung giá, các địa phương tự xây dựng giá và HĐND tỉnh, thành phố phê duyệt, còn trong thông tư này, Bộ Y tế sẽ ban hành mức giá cố định và các BV cùng hạng trên toàn quốc sẽ cùng áp dụng.


Nếu tự chi trả kinh phí KCB, người dân có thu nhập trung bình sẽ gặp khó khăn. Ảnh: T. Minh

Nếu tự chi trả kinh phí KCB, người dân có thu nhập trung bình sẽ gặp khó khăn. Ảnh: T. Minh

Trước đây, việc mỗi tỉnh quy định một mức giá cũng dẫn đến vô lý là cùng hạng BV nhưng mức giá giữa các tỉnh khác nhau. Có tỉnh nghèo nhưng do đông người nghèo, được cấp thẻ BHYT miễn phí, tỷ lệ dân tham gia BHYT lớn nên mạnh dạn phê duyệt mức giá cao, sát khung. Còn các tỉnh khấm khá nhưng có tỷ lệ dân tham gia BHYT thấp nên phê duyệt mức giá thấp. Người dân đi khám bệnh giữa các tỉnh sẽ bị thiệt thòi.

PV: Thưa ông, dư luận cũng băn khoăn, việc giá dịch vụ y tế điều chỉnh sẽ tác động đến người bệnh như thế nào, xin ông giải thích rõ?

ThS. Nguyễn Nam Liên: Việc tính đủ giá dịch vụ y tế sẽ khuyến khích các BV phát triển, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các BV cũng có thêm kinh phí để mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kít xét nghiệm với chất lượng cao. Đồng thời giữa các BV cũng sẽ cạnh tranh với nhau nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ bởi nếu không thì sẽ có BV phải đóng cửa.

Đối với người có thẻ BHYT: Khoảng 23,7 triệu người là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT là có lợi, vì được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% (từ 31/12/2014 trở về trước được thanh toán 95%, trừ trẻ em <6 tuổi) giờ được thanh toán phần tăng thêm. Đồng thời không phải đồng chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá.

Đối với người cận nghèo, trước đây BHYT chỉ thanh toán 80% thì nay đã được thanh toán 95%.

Đối với Quỹ BHYT, hiện Quỹ vẫn đang có thể cân đối được hết 2017-2018 sau đó có thể điều chỉnh mức đóng. Mức đóng cho phép tối đa của Luật BHYT là 6%, nên sẽ cân nhắc vấn đề này.

PV: Như vậy, những đối tượng chưa tham gia BHYT sẽ chịu tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, thưa ông?

ThS. Nguyễn Nam Liên: Việc điều chỉnh giá viện phí lần này sẽ tác động nhiều đến gần 30% số dân chưa tham gia BHYT. Với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế như hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là đẩy nhanh độ bao phủ của BHYT để bệnh nhân không phải nặng gánh chi trả thêm.

Các phân tích cho thấy so với khung viện phí hiện hành, nếu tự chi trả thì người dân có mức thu nhập trung bình chắc chắn gặp khó khăn trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính điều trị lâu dài.

Đặc biệt, việc điều chỉnh giá cũng là để thực hiện điều chuyển ngân sách nhà nước cấp cho bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Người dân khi tham gia BHYT không may bị ốm đau sẽ được thanh toán cơ bản chi phí khám, chữa bệnh, giảm chi từ tiền túi.

Vì vậy, mỗi người dân cần thấy rõ giá trị của BHYT khi không may bị ốm đau, đồng thời nhận thức đây là chính sách an sinh xã hội, nhiều người hỗ trợ một người trong việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thái Bình/Theo Báo Sức khỏe và đời sống