Bảo hiểm xã hội VN chi 4% BHYT cho nhà trường để làm gì?

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) khẳng định: HS-SV không thuộc đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT, nhưng nếu thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo được hỗ trợ từ 70-100%. Đặc biệt, việc gọi nhà trường là “đại lý thu BHYT” là chưa đúng.


BHXH VN chi 4 % từ BHYT tới nhà trường để có kinh phí tổ chức cuộc họp, ra thông báo, in tài liệu...

BHXH VN chi 4 % từ BHYT tới nhà trường để có kinh phí tổ chức cuộc họp, ra thông báo, in tài liệu...

Mức 4% không bồi dưỡng nhân sự nhà trường!

Liên quan tới các khoản trích từ nguồn thu BHYT cho nhà trường. Ông Phạm Lương Sơn cho biết, Thông tư 41/TTLT-BTC-BYT quy định BHXH VN trích cho nhà trường khoản 7% dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, 4% để dành cho tổ chức thu BHYT cho học sinh sinh viên.

Sự khác nhau thể hiện ở mức trích ra sao?

Theo ông Phạm Lương Sơn: “Mức chi 7 % là trích từ tổng số thu BHYT của học sinh sinh viên. Mức chi 4 % chỉ trích trên tổng số thực thu BHYT của đối tượng. Mức 4 % này không bao gồm 30 % ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho học sinh sinh viên nói chung và không gồm ngân sách 100 % Nhà nước dành cho học sinh sinh viên thuộc hộ nghèo”.

Theo ông Phạm Lương Sơn, khoản 7 % được nhà trường phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, như: Mua thuốc, dụng cụ y tế thiết yếu phục vụ sơ cứu, xử lý ban đầu cho học sinh, sinh viên không may bị ốm đau, tai nạn tại trường học…

Về khoản chi 4%, ông Phạm Lương Sơn cho rằng cần làm rõ một số thông tin chưa đúng về việc thu BHYT.

Khoản 4% được nhà trường dùng để tổ chức việc thu BHYT, gồm: Kinh phí tổ chức cuộc họp, ra thông báo, in tài liệu, in mẫu khai, văn bản hướng dẫn tới các bậc phụ huynh, văn phòng phẩm liên quan…

Khoản này không bao gồm thù lao cho nhân sự tại nhà trường để thực hiện việc này. Đây là nhiệm vụ chính trị của nhà trường, giáo viên có trách nhiệm thực hiện.

Ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: “Nguồn kinh phí này không chi trả cho giáo viên thực hiện. Điều này phải làm rõ để tránh sự hiểu lầm cho rằng giáo viên đã hưởng lương còn được hưởng hoa hồng từ việc thu BHYT của học trò”.

Về cách nói “chi 4 % hoa hồng cho đại lý thu BHYT" tại nhà trường là không đúng. Ông Phạm Lương Sơn cho biết, Luật BHYT sửa đổi năm 2014 quy định không có "đại lý thu BHYT" tại trường học.

Việc thực hiện thu BHYT là nhiệm vụ của nhà trường, điều này đã được quy định trong Luật BHXH sứa đổi năm 2014 và Thông tư 41/TTLT-BTC-BYT. Các đại lý của BHYT chỉ thực hiện việc thu ở khu vực nhóm hộ gia đình (nhóm 5 - theo quy định của BHYT) và bảo hiểm tự nguyện.

Học sinh sinh viên có tham gia BHYT theo diện hộ gia đình?

Ông Phạm Lương Sơn khẳng định, học sinh, sinh viên không phải là đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình. “Học sinh, sinh viên chỉ thông qua xác nhận của chính quyền địa phương nếu họ thuộc hộ nghèo hay cận nghèo để hưởng mức hỗ trợ tương ứng”.

Trong khi đó, Luật BHYT sửa đổi năm 2014 quy định, học sinh, sinh viên khi tham gia BHYT đều được hỗ trợ 30% kinh phí.

Vậy, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo liệu có được hưởng gộp 2 chế độ? Cụ thể: Hỗ trợ từ 70 - 100 % kinh phí của chế độ hộ cận nghèo, nghèo và hỗ trợ mức 30 % đồng đều cho tất cả đối tượng học sinh, sinh viên.

“Theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014, việc đóng BHYT theo năm tài chính. Vì vậy, học sinh sinh viên hộ nghèo hoặc cận nghèo đã có BHYT từ đầu năm 2015” - ông Phạm Lương Sơn nói.

“Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ một lần theo mức cao nhất. Điều này có nghĩa, học sinh thuộc đối tượng hộ nghèo hoặc cận nghèo sẽ không tham gia vào danh sách đăng ký BHYT của nhà trường.

Thay vào đó, đối tượng học sinh, sinh viên này sẽ thuộc danh sách kê khai của UBND xã nơi có hộ khẩu thường trú để đăng ký BHYT theo diện giảm trừ 70-100% kinh phí” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Ông Phạm Lương Sơn khẳng định thêm: “Quy định học sinh, sinh viên thuộc nhóm gia đình tham gia BHYT, thể hiện rõ ở việc các thành viên thuộc nhóm hộ gia đình khi mua BHYT không được căn cứ vào đó để tính hưởng theo tỉ lệ giảm dần mức đóng từ đối tượng thứ 2 trở đi”.

Hoàng Mạnh