Nuôi loài cá thịt thơm, da trắng, ông nông dân "ngồi rung đùi" thu tiền tỷ

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Là người tiên phong ở Bến Tre nuôi cá bông lau đặc sản, ông Phương từ chỗ làm ăn lãi lỗ nhờ trời trở thành phú nông, thu lãi tiền tỷ hàng năm.

Ông Lê Hồng Phương (50 tuổi, ngụ xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) là người tiên phong nuôi cá bông lau ở địa phương, cũng là chủ trang trại cá bông lau lớn nhất vùng. Mỗi năm ông Phương thu hoạch khoảng 40 tấn cá, thu về 5-6 tỷ đồng, tỷ lệ lợi nhuận 30-50%.

Nuôi loài cá thịt thơm, da trắng, ông nông dân ngồi rung đùi thu tiền tỷ - 1

Nhân công của ông Phương đang thu hoạch cá (Ảnh: Nguyễn Cường).

Phú nông chia sẻ, trước đây ông cũng như những chủ ao khác ở vùng cửa biển, đều nuôi tôm công nghiệp, lời lỗ "nhờ trời". Nhưng việc nuôi tôm ngày càng khó, nhất là khoảng năm 2015, cứ 10 ao nuôi tôm thì đến 8 ao bị dịch bệnh.

Nhận thấy nuôi tôm không bền vững, năm 2017 ông Phương quyết định thử nghiệm nuôi cá bông lau.

"Bông lau là giống cá da trơn, thịt trắng, thơm ngon nhất trong họ cá tra, cá ba sa. Đây vốn là loài cá đặc sản của sông Cửu Long. Ngày xưa cá bông lau rất nhiều, có những con lớn đến 15kg, nhưng ngày nay ngoài tự nhiên gần như cạn kiệt.

Ban đầu tôi cũng không chắc sẽ thành công, nên chỉ thử nghiệm trong ao rộng hơn 1.000m2. Nhận thấy thuận lợi, đến nay trang trại cá bông lau của tôi đã mở rộng ra diện tích hơn 2ha. Không chỉ bán cá thịt, tôi còn bán giống cho nhiều người khác", ông Phương nói.

Nuôi loài cá thịt thơm, da trắng, ông nông dân ngồi rung đùi thu tiền tỷ - 2

Trang trại nuôi cá của ông Phương có quy mô lớn và được đầu tư bài bản (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chủ trại cá cho biết, cách nuôi cá bông lau không khác nhiều so với cá ba sa, điểm khác rõ ràng nhất là cá bông lau nuôi càng lâu, cá càng lớn càng có giá.

Đến nay chưa có cơ sở nào sản xuất được cá bột, các trang trại đều phải bắt cá nhỏ ngoài tự nhiên về thuần dưỡng rồi nuôi thành cá thương phẩm. Cá bông lau vẫn còn nhiều tập tính hoang dã, tính cạnh tranh cao, vì vậy mật độ nuôi cũng thưa hơn nhiều so với những loài cá khác.

Cá có thịt trắng, thơm như bông lau nên được người miền Tây gọi là cá bông lau. Hiện loài cá này chủ yếu được bán vào nhà hàng, khách sạn. Ngoài chất lượng tốt, cá bông lau còn được thị trường săn đón do khan hiếm.

"Tôi thả tuần tự chứ không thả cá đồng loạt ở các ao, từ đó sẽ có cá thu hoạch quanh năm. Cá nuôi khoảng 20 tháng sẽ đạt trọng lượng khoảng 4kg/con.

Giá bán tùy thời điểm, dao động 90.000-150.000 đồng/kg. Lúc giá cá ở ngưỡng thấp nhất, mỗi ao tôi đầu tư khoảng 800 triệu đồng vẫn có thể thu về 1,2 tỷ đồng", ông Phương cho biết.

Nuôi loài cá thịt thơm, da trắng, ông nông dân ngồi rung đùi thu tiền tỷ - 3

Cá bông lau là loài có thịt thơm ngon nhất trong họ cá tra, cá ba sa, được người miền Tây coi là đặc sản (Ảnh: Nguyễn Cường).

Trang trại cá của ông Phương áp dụng nhiều máy móc, ông cũng thuê nhiều nhân công phụ trách hầu hết các công đoạn nuôi. Ông Phương chỉ đảm nhận kỹ thuật chăm sóc cá và quan trọng nhất là thu tiền lúc bán cá.

Phú nông cười nói rằng nuôi cá bông lau an toàn, ổn định, "ngồi rung đùi đếm tiền lãi".

Từ mô hình nuôi cá bông lau của ông Phương, nhiều hộ dân trong vùng đã học hỏi, làm theo. Năm 2024, Hội Nông dân xã Bình Thắng đã thành lập Tổ hợp tác nuôi cá bông lau với diện tích ao gần 100ha. Địa phương nhận định cá bông lau sẽ là hướng đi mới, bền vững để các nông hộ làm giàu.