1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nước Đức đau đầu với bài toán tăng tuổi hưu

Tỷ lệ sinh giảm kéo theo áp lực đối với hệ thống lương hưu cũng như quỹ phúc lợi xã hội buộc Đức phải tăng dần tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67, thậm chí có thể lên tới 69 tuổi. Tuy nhiên, đề xuất tăng tuổi hưu lên 69 tuổi đang vấp phải những phản ứng trái chiều khi cho rằng đó là một tính toán sai lầm.

Nên hay không việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 69?

Tăng tuổi hưu là vấn đề khá nhạy cảm ở Đức. Tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này, cải cách luật lao động theo hướng gắn độ tuổi nghỉ hưu với tuổi thọ trung bình. Theo ước tính, nam giới Đức sẽ sống tới 88 tuổi và nữ giới thọ tới 91 nên để quỹ lương hưu trí vận hành bình thường, tuổi nghỉ hưu sẽ phải là 71.

Hiện nay, tuổi nghỉ hưu ở Đức là 65. Năm 2012, Quốc hội Đức đã thông qua cải cách về luật lao động, theo đó tăng dần tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67 tuổi, bắt đầu từ năm 2020 đến 2030.

Nước Đức đau đầu với bài toán tăng tuổi hưu - 1

Tỷ lệ sinh giảm, tuổi thọ được cải thiện khiến Đức thiếu hụt số lượng lớn người lao động. Ảnh: boursorama.com. 

Tuy nhiên, trong bản tin hằng tháng phát hành ngày 22-10 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) dự báo, sự suy giảm về nhân khẩu trong tương lai ở Đức sẽ khiến hệ thống lương hưu chịu áp lực đáng kể, đặc biệt từ giữa năm 2020.

Bandesbank cho rằng, mức tăng tuổi nghỉ hưu lên 67 dường như chưa đủ bởi lẽ số người nghỉ hưu sẽ tăng đột biến vào giữa năm 2020 trong khi tuổi thọ của người Đức tiếp tục được cải thiện.

Theo tính toán của ngân hàng này, những người sinh năm 2001 có thể hưởng lương hưu đầy đủ bắt đầu từ tháng 5-2070, khi họ tròn 69 tuổi 4 tháng. “Để duy trì các quỹ phúc lợi, tuổi nghỉ hưu phải là một đòn bẩy quan trọng cho những cải cách trong tương lai”, bản tin trên nhấn mạnh.

Phản ứng trước đề xuất của Bundesbank, bà Katja Mast, Phó chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), cho rằng, ấn định tuổi nghỉ hưu cao hơn hiện nay là một tính toán sai lầm.

Trong khi đó, Nghị sĩ đảng Xanh của Đức, ông Markus Kurth, nhấn mạnh người dân cần có chiến lược làm việc lành mạnh hơn, lâu dài hơn chứ không phải nghỉ hưu ở tuổi 69. Trong khi đó lãnh đạo đảng cánh tả Die Linke đề xuất, thay vì tăng tuổi nghỉ hưu thì nên mở rộng cơ sở để tính lương hưu.

Đó chính là chế độ trả lương cho công chức, người lao động tự do và các chính trị gia.

Mặc dù Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel sẽ triển khai việc tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2020, nhưng nhiều khả năng điều này sẽ khó thực hiện được trước thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử dự kiến vào năm 2021.

Hiện tại, các đảng trong liên minh cầm quyền Đức muốn chính trị ổn định trước khi triển khai tăng tuổi nghỉ hưu theo kế hoạch.

Người nhập cư - lời giải cho bài toán dân số già

Không chỉ Đức, tăng tuổi nghỉ hưu cũng là vấn đề đau đầu đối với nhiều nước châu Âu. Từ những năm 1990, các nước Tây Âu đã bắt đầu quan ngại nguy cơ vỡ quỹ lương hưu trí.

Trong gần 30 năm qua, hầu như nước nào cũng phải đề xuất cải cách luật. Hiện nay, một nửa số nước Tây Âu quy định người lao động phải làm việc đến 65 tuổi mới được nhận đầy đủ lương hưu. Tại Hà Lan, những người sinh sau năm 1955 sẽ phải làm việc tới 67 tuổi và 3 tháng mới được lĩnh trọn vẹn lương hưu.

Còn ở Pháp, chương trình cải cách lương hưu của chính phủ cũng là nguồn cơn dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối của tài xế, phi công, luật sư, bác sĩ và cảnh sát cách đây không lâu.

Trong một đề xuất đưa ra hồi tháng 7 vừa qua, ông Jean-Paul Delevoye, người đứng đầu dự án cải cách luật lao động ở Pháp, đã đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên 64. Theo đó, những người nghỉ hưu trước tuổi này sẽ phải chấp nhận mức lương hưu thấp hơn.

Ví dụ như giảm 5% lương hưu đối với một người ngừng làm việc ở tuổi 63. Ông Delevoye cũng đề nghị hủy các khoản lương hưu có lợi hơn đối với một số ngành nghề, bao gồm công nhân làm việc trong lĩnh vực giao thông, dịch vụ công cộng, thủy thủ, công chứng viên và thậm chí cả công nhân Paris Opera.

Dự kiến một cuộc bỏ phiếu về dự luật cải cách luật lao động này sẽ diễn ra vào năm tới.

Để đối phó với tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động do suy giảm dân số, nhiều nước châu Âu rất cần đến người lao động nhập cư lành nghề. Tại Đức, trong năm 2019, dân số nước này dự kiến sẽ tăng 145.182 người và đạt 82.464.056 người vào đầu năm 2020.

Gia tăng dân số tự nhiên được dự báo là âm, vì số lượng sinh sẽ ít hơn số người chết đến -206.190 người. Theo một kết quả nghiên cứu nếu không có người nhập cư thì với tình trạng “dân số già” như hiện nay, lực lượng lao động ở Đức vào năm 2060 ước tính sẽ giảm 1/3, khoảng 16 triệu người.

Khi đó, tình trạng thiếu hụt lao động sẽ có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế lớn thứ tư thế giới này.

Vì lẽ đó, nhiều chuyên gia và chính giới ở Đức, Pháp, Hà Lan kêu gọi chính phủ cần nhanh chóng áp dụng luật nhập cư để thu hút các lao động lành nghề có trình độ trung bình và tay nghề cao, cũng như phát triển các chương trình hội nhập mạnh mẽ hơn.

Theo Bình Nguyên/Báo Quân đội Nhân dân