Gia Lai:
Nữ nông dân U60 tăng thu nhập nhờ... phân cá bón cây
(Dân trí) - Từ các bộ phận bỏ đi của con cá, bà Trần Thị Hồng Yến đã gom hết và chế biến thành phân bón hữu cơ. Nhờ đó, gia đình bà Yến giảm chi phí đầu tư, đạt hiệu quả kinh tế cao trong trồng trọt.
Bà Trần Thị Hồng Yến (58 tuổi, trú thôn Sô Ma Hang B, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) sinh ra ở Hà Nam và đã lập nghiệp trên mảnh đất Gia Lai cách đây hơn 30 năm.
Mấy chục năm gắn bó với vùng đất này, bà cũng như nhiều nông dân khác chịu cảnh thu hoạch nông sản thất thường vì thời tiết và giá cả biến động. Năm 2019, bà Yến đã mạnh dạn trồng hơn 1 ha cây bồ ngót. Thời điểm đầu, bà chưa có kinh nghiệm trồng nên 1/3 vườn rau bị mắc bệnh chết nhanh, chết chậm.
"Khi trồng cây bồ ngót, đất của nhà tôi đã bị thoái hóa, bạc màu do lạm dụng nhiều phân bón hóa học. Từ đó, khi canh tác trên diện tích đất này, cây trồng dễ bị nhiễm độc, hình thành bệnh hại khó kiểm soát", bà Yến chia sẻ.
Để cải tạo đất trở lại trạng thái bình thường, bà Yến đã đến nhiều nơi học hỏi cách chế biến phân bón hữu cơ từ chất thải của động vật như phân bò, heo, dê, gà… Bên cạnh đó, bà còn lên mạng internet và đọc sách, báo để tìm hiểu cách khắc phục, cách làm phân tốt cho cả đất và cây trồng.
Sau khi nghiên cứu, bà Yến bắt tay ủ phân bò để bón cho vườn cây bồ ngót. Bà đã tích cực sử dụng, bón phân hữu cơ đều đặn. Được một thời gian, rau nhà bà Yến xanh tốt, đất cũng tơi xốp hơn.
Cuối năm 2020, bà Yến tham gia Hội thảo nông nghiệp do Hội nông dân huyện Phú Thiện tổ chức. Tại đây, bà Yến có cơ hội được nhiều chuyên gia hướng dẫn làm phân bón từ xác cá. Sau khi về, bà Yến đã nghiên cứu công thức và tham quan mô hình cây trồng sử dụng phân cá để học hỏi, bổ trợ thêm kỹ thuật, quy trình chế biến.
Đầu năm 2021, bà Yến đã bắt tay vào làm phân cá. Những ngày đầu, bà tới các khu chợ cá ở thị trấn Phú Thiện để thu mua hết bộ phận bỏ đi của con cá. Thời gian gần đây, số lượng cá khan hiếm, giá thành cao nên bà đã chủ động tìm đến các khu HTX nuôi cá thác lác ở xã Ayun Hạ (Phú Thiện, Gia Lai) để thu mua xác cá gồm đầu, da, vẩy, xương, ruột cá.
Khi có được thành phần xác cá, bà tiến hành chế biến và ủ phân. Sau vài tháng ủ, bà Yến đã thu được lượng dung dịch phân cá. Nhận được thành phẩm, bà Yến phấn khởi pha với lượng nước để tưới trên cây bồ ngót của mình.
"Khi sử dụng phân cá cho cây bồ ngót, tôi nhận thấy cây phát triển bền vững vì trong cá chứa nhiều protein, kết hợp với men vi sinh sẽ giúp cây trồng hấp thu tốt hơn. Bên cạnh đó, nó còn giúp đất màu mỡ, tơi xốp", bà Yến vui vẻ cho biết.
Bà Yến cho biết: "Mấy năm trước, nhà tôi bón phân hóa học, cây bồ ngót chỉ cho sản lượng là 7-8 tấn/năm. Nhưng riêng năm 2021, sau khi dùng phân cá để bón, vườn rau được sản lượng hơn 10 tấn, cao hơn 3-4 tấn so với mọi năm. Với giá bán ổn định, trung bình 3.000-5.000 đồng/kg, gia đình tôi lãi trên 50 triệu đồng/năm. Thu nhập như vậy cao hơn nhiều lần so với trồng lúa".
Có được "bí kíp" phân bón "thần thánh", bà Yến tiếp tục đầu tư 6.000 m2 đất trồng chanh dây và hiệu quả ngoài mong đợi. Vườn chanh của bà Yến trĩu quả, chất lượng không thua kém những vùng đất chuyên trồng loại cây này. Với lần đầu tiên trồng, bà Yến ước tính vườn chanh dây sẽ thu bói đạt trên 1,5 tấn.
Bà Yến cũng nhấn mạnh sử dụng phân cá có rất nhiều lợi ích. Nó giúp cân bằng pH cho đất, đồng thời tạo môi trường cho các vi sinh vật phát triển. Song mang hiệu quả lâu dài, bền vững, cây không bị nhiễm độc khi bón nhiều. Từ đó, bà Yến luôn tự hào khi có nông sản sạch vì sử dụng phân bón hữu cơ từ xác cá.
Mặt khác, bà Yến dùng xác cá tự ủ đã tiết kiệm chi phí so với phân vô cơ. Trước đây, gia đình bà bón phân vô cơ tốn khoảng 3 triệu đồng/ha, còn bây giờ chỉ tốn 1 triệu đồng/ha.
Với nhiều lợi ích, cách chế biến đơn giản của phân cá đã giúp vườn rau bồ ngót nhà bà Yến trở thành vườn kiểu mẫu, mô hình tham quan, học hỏi, chia sẻ cho nhiều bà con nông dân trong vùng.
Bà Đàm Kim Liên - Chủ tịch Hội nông dân xã Ia Peng - nhận xét: "Bà Trần Thị Hồng Yến là nông dân sản xuất tiêu biểu của xã. Địa phương khuyến khích người dân áp dụng mô hình này để tiết kiệm chi phí, lại mang lại nhiều lợi ích cho cây trồng, giá trị kinh tế cao hơn và người tiêu dùng sẽ an tâm vì nông sản sạch được bón hoàn toàn từ phân bón hữu cơ".