Nữ nhân viên bị trừ lương thưởng vì... mặc đồ ở nhà "gây mất tập trung"
(Dân trí) - Làm việc online, nữ nhân viên mặc áo thun quần soóc, bị sếp nhắc nhở vì không tươm tất. Sau đó, cô nhận được mail thông trừ lương thưởng tháng đó vì mặc đồ "gây mất tập trung".
Mới đây, nữ nhân viên L.D đã đưa câu chuyện của mình ra một diễn đàn công sở, kể việc cô nhận mail thông báo từ bộ phận hành chính của công ty về việc bị trừ lương thưởng tháng 2/2022 với lý do: "Trang phục làm online ở nhà không phù hợp, gây mất tập trung đến nhiều cán bộ, nhân viên khác".
Nhận thông báo này, cô gái ngỡ ngàng, không biết phải nói sao khi lương thưởng của tháng bị trừ rất "nặng tay".
D. chia sẻ, đợt rồi công ty có nhiều ca F0 nên toàn thể nhân viên chuyển làm việc online tại nhà, với yêu cầu luôn có mặt trong Google Meet để điểm danh.
D. được giao KPIs cho việc đang phụ trách nhiều hơn, cô than không có thời gian để makeup hay "lên đồ lồng lộn". Cô mặc áo thun cho thoải mái. Nữ nhân viên xác nhận "nếu có gì không ổn là do chiếc quần đùi" nhưng cô cũng khẳng định, camera không soi được đến phần dưới trong quá trình làm việc.
Cô gái băn khoăn sau khi bị trừ tiền: "Chị em làm online ở nhà thì mặc thế nào? Mọi người có chỗ nào mua đồ bộ mặc ở nhà để làm việc được không?".
Tình huống nữ nhân viên L.D gặp phải kéo theo hàng ngàn ý kiến bình luận, đưa ra quan điểm. Bất ngờ về việc "bị phạt tiền vì trang phục ở nhà", nhiều người cho rằng đây là một quyết định cảm tính.
Lập luận đưa ra, nếu trang phục của D. không ổn như thông báo là "không phù hợp, gây mất tập trung" thì là điều không hay, chưa chuẩn trong văn hóa làm việc, công ty nên nhắc nhở, lưu ý trước, phạt "nặng tay" chỉ áp dụng khi tái phạm.
"Doanh nghiệp xử phạt vừa không có tình, vừa không có lý. Bộ phận nhân sự, hành chính phạt tiền nhân viên trong trường hợp này là sai luật. Mọi hình thức xử phạt đối với nhân viên đều cần có quy chế, nhân viên phải được phổ biến từ trước", anh Nguyễn Minh Anh - Quản lý nhân sự tại một hệ thống siêu thị bán lẻ ở TPHCM nêu quan điểm khi nắm thông tin về sự việc.
Được biết, sau khi mail qua mail lại cho công ty, nữ nhân viên D. đã quyết định nghỉ việc. Sự việc đi quá xa làm nhiều người xuýt xoa, thấy đáng tiếc vì chuyện không đáng nặng nề.
Trang phục làm việc tại nhà: Cẩn trọng không thừa!
Trang phục làm việc online hay khi phỏng vấn online là vấn đề đã được đặt ra khi mô hình làm việc này ngày càng phát triển, trở thành xu hướng. Rất nhiều tình huống cười ra nước mắt đã phát sinh từ chuyện trang phục làm việc tại nhà.
Nhiều nhân viên chia sẻ, khi làm việc online, họ đơn giản hình thức bề ngoài hơn. Nhất là khi làm việc tại nhà, không ít người phải kham thêm nhiều việc nhà như dọn dẹp, nấu ăn, chăm con... Nhiều người thậm chí còn quên luôn cả đánh răng, rửa mặt, việc ăn mặc lại càng phiên phiến, có khi cả tháng không đụng đến bộ đồ công sở.
Đã có trường hợp, nhiều nhân viên phần trên rất chỉn chu, sáng loáng nhưng vô tình bị lộ phần dưới là quần hoa của mẹ, quần đùi của bố, thậm chí là... quên cả quần ngoài.
Trong các chuyên đề chia sẻ về chủ đề làm việc, dạy học online, TS Phạm Thị Thúy, học viện Hành chính Quốc gia phân viện TPHCM nhấn mạnh, khi làm việc online, đặc biệt với những công việc đặc thù như nhà giáo, diễn giả... ăn mặc chỉn chu là điều cần thiết.
Cho dù nhiều yêu cầu về vẻ ngoài khi làm việc tại nhà có thể giảm nhẹ nhưng việc chăm chút trang phục, vẻ ngoài trước màn hình camera giúp mỗi người chủ động, tránh những được tình huống khó xử phát sinh. Trên thực tế, đã có những sự cố giáo viên, nhân viên lộ "ảnh nóng" trong khi làm việc online vì sự sơ sẩy, thiếu cẩn trọng.
Chưa kể, việc bản thân ăn mặc tươm tất cũng thể hiện tác phong chuyên nghiệp, làm việc sẽ nghiêm túc, hiệu quả hơn.
Trang bị kỹ năng, sự chuẩn bị khi làm việc online là điều cần thiết để mọi người thích nghi, chuyên nghiệp hơn trong mô hình làm việc đang phát triển. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thúy, trong quá trình này cần sự linh hoạt và cảm thông của tất cả.
Một chuyên gia nhân sự tại TPHCM bày tỏ, việc giám sát nhân viên khi làm việc online là cần thiết nhưng việc giám sát thái quá sẽ phản tác dụng, gây nặng nề, ức chế cho nhân viên.
Theo ông, làm việc online kéo theo nhiều hạn chế trong tương tác, giao tiếp giữa người lao động và doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông nội bộ, đưa mọi vấn đề, quy chế của doanh nghiệp tới từng nhân viên. Chuyên gia khuyến cáo ưu tiên việc này trước khi sử dụng các hình thức xử lý kỷ luật.
Đặc biệt, về công việc cũng như các mối quan hệ, hai bên cần học cách thông cảm, chia sẻ cho nhau, nhất là trước những biến động, thay đổi.
Theo Điều 102 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 của luật này.
Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp có hành vi phạt tiền hoặc cắt lương thay cho việc xử lý kỷ luật lao động có thể bị phạt đến 80 triệu đồng.