Nữ công nhân, gian nan tìm hạnh phúc
Môi trường làm việc công nghiệp đã đào tạo những nữ công nhân chuyên môn hóa sâu. Họ có thể nhắm mắt vẫn thực hiện thành thạo từng công đoạn ghép thành chiếc áo, đôi giày...
Những cột khói công nghiệp đặc quánh, nhuốm hoàng hôn bàng bạc. Hàng nghìn nữ công nhân trong các khu công nghiệp Ðồng Nai ùa ra trong giờ tan tầm.
Trong phòng trọ tồi tàn, xập xệ, chị Hoàng Thị Dự (36 tuổi) bộc bạch, gia cảnh nghèo khó đưa đẩy chị và em gái ruột là Hoàng Thị Na (20 tuổi), từ huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đến đất khách quê người. Phải chấp nhận tăng ca triền miên, bởi không thế thì đồng lương còm cõi của hai chị em vỏn vẹn gần bốn triệu đồng/tháng, chẳng thể đỡ đần cha mẹ già yếu đang phải nuôi chị gái khuyết tật. Em đóng đế, chị sơn giày, ráng tằn tiện vài trăm nghìn đồng gửi về quê mỗi tháng. Vậy mà thấm thoắt đã bảy năm chị Dự gắn bó với phòng trọ này, chưa một lần có chàng trai nào ghé thăm. Thu nhập quá hẻo nên suốt ngần ấy năm chuyến đi chơi duy nhất của chị là ở Vũng Tàu do công ty tổ chức. Chị thổ lộ: "Ðã nghèo, thỉnh thoảng lại được mời đám cưới". Lúc này, tôi khẽ hỏi: "Có khi nào chị chạnh lòng khi chứng kiến hạnh phúc của các đôi uyên ương ?". Chị Dự cười buồn để lộ những vết chân chim nơi đuôi mắt. Thoáng nhìn qua em gái, ứa nước mắt chua xót, chị buột miệng: "Sợ rồi em gái cũng sẽ lặp lại như mình, phải chôn vùi quãng đời đẹp nhất trong bốn bức tường lạnh lẽo của phòng trọ".
Mỗi năm mỗi tuổi nó đuổi xuân đi. Chị Nguyễn Thị Chuyền (42 tuổi), quê ở Bình Lục (Hà Nam) kể: Năm 1997, chị chân ướt chân ráo lặn lội vào TP Hồ Chí Minh làm ở một xưởng dệt tư nhân. Ngột ngạt do cường độ công việc căng thẳng, cánh cửa giao tiếp với bên ngoài gần như bị đóng kín. Ba năm sau, chị chuyển tới Công ty Taekwang Vina, nơi có 23 nghìn công nhân đang làm việc với hơn 80% là nữ. Nhiều năm lăn lộn trong nhà xưởng, giờ chị Chuyền đã ngoại tứ tuần mà chưa có một "mảnh tình vắt vai". Vân vê tà áo công nhân đã sờn bạc, chị thì thầm: "Không chỉ những nữ công nhân "cổ xanh" như mình mà cả "cổ đỏ", "cổ vàng" (đội ngũ nữ quản lý trong công ty) cũng chả khá gì hơn". Một thời son trẻ từng khao khát yêu đương, giờ chị Chuyền đành buông xuôi số phận. Chị đang tính cuối năm nay về quê hẳn.
Bữa cơm tối đạm bạc được dọn ra. Bóng hai người phụ nữ lớn tuổi hắt lên tường, liêu xiêu, nhợt nhạt.
Con hẻm chông chênh dẫn chúng tôi đến với cảnh đời của những người mẹ trẻ đơn thân. Cho đến khi có thai, Cao Thụy Hải mới bàng hoàng nhận ra: người yêu làm cùng công ty Mabuchi, Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2, TP Biên Hòa (Ðồng Nai) đã đề huề vợ con từ lâu. Anh ta tìm đến cô chỉ đơn thuần để "giải sầu" trong lúc vợ đi xuất khẩu lao động. Gã sở khanh lập tức chuyển chỗ làm và kêu Hải bỏ thai. Ngậm đắng nuốt cay, cô chia tay mối tình đầu, bỏ việc, về quê cầu cứu cha mẹ. Chỗ dựa, niềm hy vọng cuối cùng tan biến khi cô bị gia đình từ chối. Bế tắc, tuyệt vọng, nữ công nhân 18 tuổi lặn lội trở lại TP Biên Hoà xin tá túc ở một mái ấm. Cô đơn độc vượt cạn, sinh một bé gái kháu khỉnh. Nước mắt lã chã suốt buổi trò chuyện, người mẹ trẻ cho hay, gặp lại bố đứa bé lần cuối khi mang bầu ba tháng, nay con đã hơn hai tháng tuổi, nhưng anh ta chưa một lần ghé thăm. Thắt lòng nựng đứa con bé bỏng, cô tâm sự: "Ngay khi sinh con xong, mẹ em điện thoại vào bắt cho đứa trẻ đi thì mới chấp nhận em về nhà, cũng có mấy người đến xin con nhưng em không chịu, quyết nuôi con thành người".
Cô đơn, khao khát tình cảm dễ dẫn đến ngã lòng, nhiều nữ công nhân trẻ rơi vào tình cảnh yêu vội, ghép vá sống thử. Trong phòng trọ ở phường Hố Nai, TP Biên Hòa, Nguyễn Thị Ánh Thùy (21 tuổi) làm mẹ của đứa con trai mới sinh hơn một tháng, Thùy kể: "Khi biết em mang thai, gia đình đưa em vào mái ấm để sinh con rồi dự định tìm xem có gia đình nào khá giả muốn xin con nuôi thì cho đi. Nhưng khi nhìn đứa bé chào đời, nghĩ lại cảnh mình mang nặng đẻ đau, thương con nên em quyết giữ cháu lại". Niềm hạnh phúc mỏng manh xen lẫn nước mắt đắng cay, Thùy cho biết: Cô quen bố đứa bé khi làm cùng Công ty Pou-sung ở huyện Trảng Bom (Ðồng Nai). Khi người yêu không chấp nhận đứa con trong bụng cũng là lúc cô cắt đứt liên lạc, tính đến nay đã gần 10 tháng.
Hấp tấp mang cả cuộc sống của mình ra đánh cược số phận, để lại hậu quả khôn lường chính là những công nhân nữ. Sau những cuộc tình chóng vánh, tan vỡ, không ít chị em bẽ bàng nhận về mình phần thiệt thòi, thậm chí không tin vào tình yêu nữa. Dễ bắt gặp những công nhân làm mẹ đơn thân ở trọ gần tất cả các KCN. Có người phải bỏ việc nuôi con và thực trạng này để lại gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, sau khi trao thân gửi phận, bị phản bội, tổn thương rất lớn cả tinh thần lẫn thể xác, không phải ai cũng can đảm đương đầu với búa rìu dư luận, gian truân, để làm mẹ đơn thân. Cuộc sống cứ trong vòng luẩn quẩn. Và hậu quả như đã nói, rất nhiều chị em quá lứa, lỡ thì... Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Ðồng Nai, bác sĩ Lưu Văn Dũng nhìn nhận: "Vì điều kiện sống khó khăn, tập trung lo cho miếng cơm manh áo, mà nữ công nhân ít quan tâm đến sức khỏe bản thân mình". Trong khi đó, chỉ khoảng một nửa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có cán bộ y tế, sức khỏe lao động của các nữ công nhân chưa được quan tâm nhiều khiến mọi nỗ lực tuyên truyền của công đoàn chỉ như "muối bỏ bể".
Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Ðồng Nai, năm 2011, trên địa bàn tỉnh có gần 7.800 ca phá thai. Riêng tại Bệnh viện đa khoa Ðồng Nai, phụ nữ phá thai khai nghề nghiệp là công nhân luôn chiếm một nửa trong tổng số ca phá thai (năm 2010 có 1.174 ca, năm 2011 có gần 1.000 ca, sáu tháng đầu năm 2012 có 456 ca). Con số này sẽ còn nhức nhối đến đâu khi mà ở hàng loạt cơ sở y tế tư nhân, nơi thường được các nữ công nhân tìm đến, thì ngành y tế chưa kiểm soát được.
Tăng ca triền miên, đồng nghĩa với việc đóng kín cánh cửa giao lưu với bên ngoài xã hội. Vì cơm, áo, gạo, tiền, hàng loạt nữ công nhân biến thành cỗ máy công nghiệp, khô đét. Công việc cướp mất quỹ thời gian, cơ hội chị em tìm gặp bạn đời tương lai vuột khỏi tầm tay. Làm việc kiệt sức, đồng lương ít ỏi khiến họ không thể tới nơi vui chơi, giải trí.
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Ðồng Nai Phạm Minh Thành có cách tiếp cận vấn đề khá sâu sắc: "Doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức tiền lương, tiền công cơ bản, nên họ lách luật bằng cách chỉ bảo đảm lương cơ bản ở mức tối thiểu theo quy định của Nhà nước, nhưng tăng các loại trợ cấp để kích thích người lao động làm việc. Mà tiền trợ cấp thì chúng ta không điều tiết được doanh nghiệp, lúc cần lao động thì họ tăng, ngược lại thì giảm. Do đó, đời sống người lao động rất bấp bênh. Và đây là kẽ hở của pháp luật".
Ðồng quan điểm, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Ðồng Nai Huỳnh Tấn Kiệt lo lắng nói: "Hầu hết doanh nghiệp chỉ điều chỉnh thang bảng lương tăng 5%/năm là bảo đảm quy định pháp luật. Như vậy, một công nhân làm việc suốt 10 năm liên tục ở TP Biên Hòa thì lương cơ bản cũng chỉ ở mức từ bốn đến năm triệu đồng/tháng. Các doanh nghiệp tăng cường phụ cấp, để họ tránh đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, nhằm giảm bớt chi phí hoạt động". Ông cũng thừa nhận, số lượng nữ công nhân quá lứa, lỡ thì, tình trạng phá thai hiện nay là đáng báo động. Còn để tạo điều kiện cho nữ công nhân làm quen với đối tượng khác giới để tiến tới xây dựng gia đình thì Liên đoàn Lao động đang... bí. Trước đây, Công ty Changshin từng tổ chức cho công nhân nữ giao lưu với một số đơn vị đóng trên địa bàn để có cơ hội gặp gỡ, kết bạn, nhưng do khác nhau về nhiều mặt nên phương án này phá sản.
Nhà nước và xã hội cần tạo điều kiện để đời sống vật chất và tinh thần của các nữ công nhân tăng lên. Ngặt nỗi, nói đến văn hóa lại bộc lộ những bất cập yếu kém. Công nhân Ðồng Nai mỏi mắt vẫn không thể kiếm ra nơi vui chơi dành riêng cho mình ngay tại khu vực đô thị. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam với 700 nghìn công nhân (gần 65% là nữ, phần lớn là người ngoài tỉnh), nhưng tỉnh vẫn chưa có một thiết chế văn hóa nào dành riêng cho lực lượng đông đảo này. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Huỳnh Tấn Kiệt cho biết: "Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đề án xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân các KCN. Nhưng trên thực tế, việc triển khai đang vướng mắc, cơ sở vật chất thiết chế văn hóa chưa có, một số khu vui chơi giải trí kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ thì cũng đáp ứng phần nào, chứ khi đi vào bài bản thì đang có nhiều bất cập".